VinFuture cải thiện hình ảnh quốc gia và kích thích đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Giải thưởng VinFuture là nhân tố đột phá giúp cải thiện hình ảnh quốc gia, đồng thời là nguồn cảm hứng kích thích đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học người Việt đang công tác tại những trung tâm nghiên cứu quốc tế hàng đầu đánh giá, giải thưởng VinFuture là nhân tố đột phá giúp cải thiện hình ảnh quốc gia, đồng thời là nguồn cảm hứng kích thích đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Uy tín, tầm vóc quốc tế của VinFuture ngày càng tăng cao

Với TS. Van Schepler-Luu (Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế – IRRI), lần trở về Việt Nam tháng 12/2022 tham gia tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” do Quỹ VinFuture tổ chức là một chuyến đi “bội thu”.

Bên lề sự kiện, mạng lưới BioNET-Vietnam đã chính thức ra đời, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực “chữa bệnh” cho cây lúa. Ý tưởng về mạng lưới quốc tế này đã được TS. Schepler-Luu ấp ủ từ lâu, nhưng phải tới khi có sự kết nối của “bà đỡ” VinFuture mới có thể trở thành hiện thực.

TS. Van Schepler-Luu chia sẻ tại tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học – Công nghệ VinFuture lần thứ 2, năm 2022

“VinFuture không chỉ là một nền tảng cho việc trao giải thưởng mà còn là điểm hội tụ, giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác triển vọng và thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và khoa học nói chung”, TS. Van Schepler-Luu đánh giá.

Nhà “lúa học” đang công tác tại Philippines cho biết, là người gốc Việt, chị vô cùng tự hào về VinFuture. Giải thưởng là minh chứng cho niềm tin và khát khao mạnh mẽ của Việt Nam cho khoa học phục vụ nhân loại. Hai mùa giải đầu tiên của VinFuture rất thành công khi chủ nhân các giải thưởng đều là những trí tuệ kiệt xuất. Các công trình được vinh danh đều là những nghiên cứu có tầm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Từ Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo, đặc biệt ấn tượng với quy mô tăng vọt của số lượng đối tác đề cử cũng như số công trình tham gia VinFuture mùa 3.

GS. Trần Văn Thọ là 1 trong 3 người nước ngoài đầu tiên được mời làm việc trong Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều đời của Thủ tướng Nhật Bản

Vị giáo sư kỳ cựu đánh giá VinFuture ngày càng được chú ý trong cộng đồng khoa học quốc tế vì cho thấy năng lực phát hiện những nhà khoa học ưu tú nhất của thế giới và chọn trao cho những công trình đóng góp trực tiếp vào cải thiện cuộc sống của con người. Theo ông, hai đặc tính này thể hiện rõ qua sự trùng hợp của Giải Nobel Y sinh năm nay và Giải thưởng Chính VinFuture năm 2021. Thậm chí, VinFuture còn đi trước thế giới một bước khi có khả năng lựa chọn, đánh giá và tôn vinh công trình đã cứu sống hàng chục triệu người trong đại dịch ngay từ 2 năm trước.

“Năm nay, số lượng đối tác đề cử cho Giải thưởng VinFuture đã tăng gấp hơn 4 lần so với mùa giải đầu tiên và gồm nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Điều này khẳng định uy tín ngày càng tăng của Giải VinFuture”, GS. Trần Văn Thọ nhận định.

Cùng lý giải về sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ của VinFuture trong cộng đồng khoa học quốc tế, GS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Giáo sư Viện Công nghệ châu Á (AIT, Thái Lan) cho rằng đây là một giải thưởng lớn, có tầm cỡ toàn cầu và có tiêu chí cụ thể.

“Tiêu chí ‘Khoa học phụng sự nhân loại’ của VinFuture rất thời đại. Hy vọng các nhà khoa học nhận các giải thưởng sẽ tiếp tục sứ mạng cao quý để phục vụ nhân loại”, GS. Kim Oanh bổ sung.

Nguồn cảm hứng cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Cũng theo GS. Kim Oanh, tại Viện Công nghệ châu Á, các nhà nghiên cứu biết đến VinFuture ngày càng nhiều, đặc biệt là qua các webminar mà Quỹ tổ chức thường xuyên thời gian qua. Đây là chuỗi hoạt động học thuật nhằm kết nối các trí tuệ hàng đầu thế giới với các nhà khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua các nội dung thảo luận, VinFuture còn khuyến khích sự đóng góp và thúc đẩy vai trò của các nhà khoa học Việt Nam trong chuỗi sáng tạo toàn cầu.

GS. Nguyễn Thị Kim Oanh (đội mũ) trong một chuyến công tác tại Nepal. Bà là giáo sư đầu ngành của Chương trình Quản lý và Kỹ thuật Môi trường tại AIT

“Nhờ VinFuture, Việt Nam được biết đến như một đất nước coi trọng hiền tài và quan tâm đến các vấn đề của nhân loại ở quy mô toàn cầu. Các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài biết nhiều hơn về các lĩnh vực có tính ứng dụng cao ở Việt Nam và hướng về đất nước nhiều hơn”, GS. Kim Oanh chia sẻ.

Là một nhà khoa học trẻ, TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Nghiên cứu viên, Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Australia, cũng nhận thấy rõ giá trị của “cầu nối” VinFuture trong việc đưa cộng đồng nghiên cứu trong nước và quốc tế xích lại gần nhau. Giải thưởng cũng là nguồn cảm hứng vô giá cho các bạn trẻ yêu khoa học, khích lệ họ học hỏi và nghiên cứu sâu hơn. Nhờ đó, VinFuture giúp khoa học Việt Nam phát triển và được biết đến nhiều hơn trên thế giới.

TS. Nguyễn Trọng Hiếu hiện là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện mặt trời tại ĐHQG Australia (xếp hạng 34 thế giới theo QS ranking 2024)

“Sự thành công của VinFuture sẽ nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của nền khoa học và công nghệ của Việt Nam trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là cải thiện hình ảnh Việt Nam như một nước đi đầu trong việc thúc đẩy và ủng hộ khoa học, công nghệ. Từ đó, sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế, bao gồm thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”, TS. Trọng Hiếu phân tích.

Tán đồng quan điểm này, TS. Van Schepler-Luu đánh giá, sự quan tâm dành cho khoa học và công nghệ không chỉ thể hiện sự tiến bộ của Việt Nam mà còn là minh chứng cho cam kết trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa cho nhiều người. Đồng thời, VinFuture tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế kết nối để hiểu hơn và có cái nhìn tổng quát, sâu sắc hơn về nền khoa học Việt Nam cũng như năng lực nghiên cứu, phát triển của con người Việt Nam. Sự giao lưu này vừa thúc đẩy cơ hội hợp tác quốc tế vừa giúp nâng cao vị thế và uy tín của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

“Qua đó, Việt Nam không chỉ được nhìn nhận là một đối tác quan trọng trong nghiên cứu và phát triển mà còn là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và đổi mới”, TS. Van Schepler-Luu chia sẻ từ Philippines.

Các chủ nhân Giải thưởng giao lưu với khán giả sau lễ trao giải VinFuture 2022

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hôm 27/9 cho thấy, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. WIPO đánh giá Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức phát triển.

Theo các chuyên gia, việc tăng 2 bậc trong xu thế khó khăn sau đại dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ và đúng hướng về mặt chính sách, cơ chế cho các nhà khoa học để họ có những đóng góp xứng đáng, được thế giới công nhận. Và không khó để có thể nhận ra dấu ấn của VinFuture trong sự thăng hạng này.

“Giải VinFuture có hiệu quả kích thích nghiên cứu sáng tạo ở Việt Nam khi các thông tin về thành quả nghiên cứu ở tuyến đầu khoa học thế giới được phổ biến và các nhà khoa học uy tín nhất đến nhận giải ngay tại nước ta”, GS. Trần Văn Thọ nhìn nhận.

Nguồn: Tạp chí văn hoá doanh nghiệp