“Con người, doanh nghiệp muốn phát triển trường tồn thì cần phải ứng dụng “Nền tảng đạo đức nhân bản, nhân quả của Đức Phật”. Xây dựng văn hóa là cái cốt tủy của doanh nghiệp, là “kim chỉ nam” xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại, tương lai, tầm nhìn về nhân quả và duyên hợp” – Đó là tâm sự của anh Vũ Đức Sỹ – CEO Công ty Cổ phần Diligo Holdings.
Thưa anh, được biết tôn chỉ, định hướng xuyên suốt trong tư tưởng, lời nói, hành động của văn hóa Diligo là “Tử tế từ tâm”. Tôn chỉ này có ý nghĩa gì đối với anh vậy?
CEO Vũ Đức Sỹ: Nói về “Tử tế từ tâm” có lẽ phải nói về tuổi thơ của tôi. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo có bố là bộ đội, mẹ là nông dân ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thời kỳ bao cấp, cuộc sống nghèo khó, tôi lớn lên trong cơ cực, lớp 10 tôi đã cùng gia đình lo cho 8 miệng ăn. Tuổi thơ tôi rất đói nghèo về vật chất nhưng lại giàu có về đời sống tinh thần.Nhà tôi gần chùa Bút Tháp, lúc tôi bé, bà nội tôi ở ngoài chùa, bà có duyên lớn với Phật, 26 năm tu dưỡng “quét dọn cái tâm”, không cầu, không cúng, không tụng niệm mà chỉ sống một mình trong chùa, quét dọn, lau chùi, vệ sinh chùa, chăm sóc cây cối và nghỉ ngơi, cuộc sống cực kỳ thanh thản, an lạc, bình an. Bà tôi 96 tuổi mới mất vì già yếu, hầu như không bệnh tật gì.
Thời ấy, cả làng tôi trồng rau củ, rau cải giống nhau, thường 21h tôi bó rau, xếp vào xọt nặng tới 150 kg để 2-3 giờ sáng đạp xe ra chợ Thạch Bàn, chợ Long Biên bán… Cả làng ra bán nên ế, tôi vào các hàng cơm bụi ở phố cổ Hà Nội mời: “Thưa cô, vì tình thương cô mua rau giúp con được không ạ”? Người ta mua là nhờ tình thương nên tôi vô cùng biết ơn. Bán xong tôi đạp xe về Trường cấp 3 Thuận Thành 1 để học, về tới nơi thường là 15h chiều, mệt mỏi vô cùng, lại buồn ngủ không học được.
Khi đó, tôi thương bố lắm. Ông vất vả nhưng ý chí ngút ngàn, lúc nào cũng dạy con tự chủ, tự lực, tự cường, không trông chờ vào một ai. Ông là bộ đội về, không lo được nhiều cho vợ con. Một mình mẹ tôi tần tảo, cần mẫn làm mọi việc để lo cho gia đình. Bà là người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, bà nuôi con bằng cả tình thương. Suốt đời bà là sự cực nhọc, nhưng tôi chưa một lần thấy bà buông lời cay đắng với con cái. Sự nhẹ nhàng, bao dung “một điều con ơi, hai điều con ơi” đã nuôi lớn 5 anh em tôi. Cách dạy con của bà là xuất phát từ tình thương yêu, nên các con đều thành đạt, không một ai uống rượu, bia, hút thuốc lá, hết giờ làm là về với gia đình. Đến giờ, mẹ tôi vẫn giữ thói quen hy sinh vì gia đình, ra đồng từ 4 giờ sáng trồng rau hữu cơ (organic) gửi ra Hà Nội cho các con. Bà nói “Mẹ còn khỏe, sẽ duy trì điều này suốt cuộc đời, mẹ thương con, thương cháu, vì nhiều người không hiểu biết, họ chỉ vì tiền, họ phun thuốc sâu vô tội vạ, dùng hóa chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng cho rau củ… con người ăn vào thời gian dài sẽ sinh bệnh tật, ung thư… Họ làm vậy, họ cũng bị bệnh tật, nhiễm độc, họ chết khổ đau, âu cũng là nhân quả họ nhận lại. Nên các con, cháu ăn rau củ mẹ trồng, mẹ mới yên tâm và an vui được”. Nhờ mẹ tôi mà 11 người cháu với các con được dùng thực phẩm sạch, thân thể luôn khỏe mạnh.
Nhớ lại ngày ấy, khi tôi nghỉ học, bố chở tôi ra Hà Nội, ở đường Trần Quang Khải bây giờ. Ban ngày, tôi làm thuê, làm mướn, đạp xích lô, chở vật liệu thuê… Ban đêm ngủ vỉa hè chỗ gái mại dâm, người nghiện ma túy, người cu li cửu vạn giống mình. Tôi thấy họ khổ hơn tôi vì họ không được ăn học nên tôi rất thương họ.
Ngày đó, người bạn học cấp 3 của tôi là Tiến sĩ Dương Quốc Hoàn (Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Tiến sĩ tại Học viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAIST), giờ làm việc tại Mỹ trong ngành thiết kế chip của Apple. Chính anh ấy đã là người dìu dắt, dạy lại tôi kiến thức môn toán từ cấp 2 lên cấp 3 để tôi thi đại học lại. Anh ấy luôn động viên và khuyên tôi: “Giờ bạn làm cửu vạn có tiền đấy nhưng nếu có giàu cũng chỉ là trọc phú thôi, nên phải đi học, phải có kiến thức”. Năm sau tôi thi 6 trường đại học thì đỗ được 3 trường. Tôi học Trường Đại học Công đoàn, khoa Quản trị kinh doanh, học văn bằng 2 Trường Ngoại thương, học cả Đại học Ngoại ngữ khoa Tiếng Anh. Tôi ham học lắm vì nghĩ kiến thức là nền móng để vượt nghèo. Vừa đi học, vừa đạp xích lô, dạy gia sư để kiếm tiền ăn học 100%, rồi còn giúp cha mẹ lo cho các em ăn học ở quê.
Lúc sinh viên, tôi thấy đất nước mình mở cửa sẽ cần ngôn ngữ để giao tiếp với nước ngoài, nên tôi thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh đầu tiên ở Trường Đại học Công đoàn và kết nối giao lưu với các trường khác như: Đại học Ngoại thương; Đại học Quốc gia… để phát triển phong trào tiếng Anh ở Hà Nội. Nhờ vậy, mà tôi đã tạo ra động lực cho sinh trẻ Thủ đô, giúp họ có môi trường thực hành tiếng Anh giao tiếp. Tôi ra trường lương cao nhất Trường Đại học Công đoàn, khoảng hơn 2.000 USD/tháng.
Mọi việc đều cần có đủ “cơ duyên mới hợp thành”. Vậy cơ duyên nào để anh quyết tâm khởi nghiệp chứ không phải làm công ăn lương như bạn bè? Vì sao, anh lại bắt đầu với ngành bàn chải đánh răng LIPZO – Cười toả diệu kỳ?
CEO Vũ Đức Sỹ: Diligo là tâm huyết của tôi. Tôi khởi nghiệp từ lòng biết ơn và yêu thương đồng bào, biết ơn Tổ quốc và cũng là sự “Tử tế từ tâm” tôi dành để trả nợ lời nói dối với khách hàng từ khi tôi mới ra trường.
NHÂN DUYÊN NHÀ SÁNG LẬP: Khởi nguồn từ lòng biết ơn và yêu thương đồng bào, Tổ quốc đã tin tưởng và trao cho tôi lòng tin yêu, mua những sản phẩm tôi và đội ngũ nhân viên đã truyền bá, tặng mẫu khi mới ra trường đi làm cho tập đoàn nước ngoài. Một sản phẩm bàn chải luôn quảng cáo là số 1, nhưng sự thật khi đánh răng nó đã bị rụng lông và gãy cán. Tôi nhận ra mình đã làm điều tồi tệ, mắc nợ đồng bào vì mình và đội ngũ nhân viên đã nói dối họ. Mình đã mắc nợ một lời nói! Món nợ từ thuở mới ra trường này nó cắn rứt lương tâm tôi. Tôi cần phải bù đắp lại lòng tin đồng bào đã dành cho tôi bằng việc phải tạo ra sản phẩm chất lượng số 1 như lời nói tôi đã nợ đồng bào.
SỰ THẬT SỐ 1: Khi mới là sinh viên ra trường đi làm tiếp thị tại các vùng nông thôn, các chợ quê từ những năm 2000, tôi thấy có quá nhiều đồng bào nghèo khổ, sống trong bệnh tật, rượu, bia, ăn thịt, hút thuốc lào, thuốc lá và thói quen xỉa răng dẫn tới hơn 90% người Việt bị các bệnh về răng, lợi, ảnh hưởng tới thần kinh khi về già.
SỰ THẬT SỐ 2: Tôi nhận ra đất nước mình đã hòa bình, nhưng nền kinh tế khó khăn muôn trùng, một nước nghèo là một đất nước yếu. Tôi thương đồng bào và ước mơ xây dựng một môi trường mang tên Diligo Holdings với tôn chỉ “Tử Tế Từ Tâm”! Tuổi trẻ cần “Ước mơ và hành động”. Với biểu tượng là bông hoa 5 cánh, với ước nguyện anh em đồng tâm, cộng hưởng, kết nối, xây dựng ước mơ vươn ra 5 châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu”. Hàng ngày, tôi tần tảo, cần mẫn tuyển từng nhân viên vào đào tạo, hướng dẫn, trực chỉ và kèm dạy.
SỰ THẬT SỐ 3: Tôi ước mong đưa tất cả anh em, cán bộ, nhân viên đi khắp 5 châu, bốn biển như tôi đã được trải nghiệm, để mở mang tầm nhìn toàn cầu để “Thâu hết tinh hoa kim cổ lại, xây cao văn hiến nước non nhà”.
Một cơ duyên nữa là khi tôi mở Công ty liên doanh với Công ty Công nghệ thông tin của Tập đoàn Huyndai, thì ông Chơn – Chủ tịch Tập đoàn sang thăm. Ông ấy chỉ cho tôi là tại sao Hàn Quốc từ một đất nước nô lệ cho người Nhật, bị người Nhật chiếm đóng, lại phát triển như ngày nay chỉ mất có 40 năm. Ông ấy hỏi “Tại sao những người trẻ như anh lại không khởi nghiệp, lại chọn đi làm thuê”? Ông ấy thúc giục tôi khởi nghiệp kinh doanh, ông ấy bảo khi xưa ông Park Chung-Hee truyền cảm hứng cho hàng ngàn thanh niên trẻ Hàn Quốc, trước khi ra nước ngoài du học là các bạn có sứ mệnh đi học và quay về xây dựng đất nước nên nhiều người đi sang Mỹ để học khoa học kỹ thuật, xe hơi, học ngành làm phim, giải trí, sang Ý để học làm thời trang, sang Nhật để học ngành điện tử, sang Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển để học ngành luyện kim, chế tạo máy rồi họ quay về xây dựng quê hương… Ông ấy kể lại, ông Chủ tịch Tập đoàn Huyndai là người buôn đồ khô ở tại chợ, ông Chủ tịch Samsung xuất phát từ buôn gạo mà có các tập đoàn lớn ra đời từ lòng yêu nước. Ông Chơn nói với tôi: “Thế hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam là một thế hệ anh hùng, còn thế hệ của các bạn trẻ bây giờ (ông chỉ tay vào tôi) chỉ nghĩ đi làm thuê cho Tây. Có kiến thức, được ăn học mà không chịu khởi nghiệp, xây dựng đất nước, không biết thương người dân đồng bào mình.”
Khi trẻ, tôi ước mơ và sống bên Mỹ vì nghĩ Mỹ là thiên đường. Nhưng khi sang học và làm việc với bạn, tôi thấy Mỹ không phải là thiên đường vì người bạn tôi kinh doanh ngành chuỗi cung ứng cho hệ thống tiệm nail có tài sản gần trăm triệu USD nhưng vợ bị ung thư chết, gia đình cực kỳ bất ổn, sống không có hạnh phúc chân thật. Tôi nhận ra rằng giấc mơ Mỹ “American dream” không phải là thiên đường mà là thói quen cày tiền đến chết. Tôi quyết định trở về Việt Nam, gần gia đình vì thấy đời sống tinh thần nó quan trọng hơn đời sống vật chất.
Khi về Việt Nam, tôi thành lập công ty có duyên hợp lại là ngày 19 tháng 5, trùng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ lúc nào cũng khơi nguồn cảm hứng xây dựng đất nước, tôi luôn nhớ lời Bác dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu”. Nên tôi nghĩ mình đã đủ kinh nghiệm, đã bôn ba khắp Bắc – Trung – Nam rồi ra nước ngoài lọ mọ đi khắp nơi, lúc này việc cần làm là khởi nghiệp.
Là một doanh nhân, cũng là một cư sĩ, anh đã ứng dụng Phật pháp vào văn hóa kinh doanh như thế nào để doanh nghiệp phát triển trường tồn?
CEO Vũ Đức Sỹ: Khi tôi ở Mỹ, tôi nhiễm thói quen sống kiểu Tây, bị ức chế tâm (Stress) rất là nặng. Tôi bị bệnh béo phì, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, bệnh xoang, bệnh trĩ nhẹ… đặc biệt là tâm bệnh rất dễ tức giận, nóng tính lắm. Khi tôi sống không có hạnh phúc và bất ổn toàn diện về tư tưởng, tinh thần, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, tương lai con cái, thời gian, mối quan hệ, công việc, tiền bạc, tài chính… tôi rất là khổ. Tôi nhớ lại tuổi thơ lúc hạnh phúc nhất là lúc ra chùa sống với bà nội, chơi dưới gốc cây thị, nên tôi quay về nghiên cứu Phật giáo Nguyên thuỷ của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo Nguyên thuỷ của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã sống như Phật và giải thoát dựng lại. Đức Phật dạy chúng ta nền đạo đức nhân bản, nhân quả… “Đạo đức là sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sinh”. Bài căn bản Đức Phật dạy chúng ta về 4 sự thật cao quý 1 kiếp người và 8 chánh đạo là phương pháp diệt hết khổ. Một kiếp người có 4 nỗi khổ lớn là sinh sống khổ, già khổ, bệnh khổ và chết khổ. Phật dạy mình làm chủ 4 nỗi khổ này và diệt nó đi là hết khổ. “Như vậy, Phật pháp giúp ta chuyển đổi nhân quả của chính mình, đưa mình từ khổ đau đến giải thoát, từ bất hoà đến hoà hợp, từ hung ác đến hiền lành, từ gian xảo đến thành thật, từ ghét bỏ đến thương yêu, từ hận thù đến tha thứ, từ lo lắng, sợ hãi đến thanh thản, an lạc, vô sự”.
Trí tuệ của Đức Phật là Giới – Định – Tuệ nó có công năng chuyển hóa hoàn toàn cuộc đời nhờ sự hiểu biết sự thật một kiếp người mà không cần phải cầu, cúng, tụng niệm, lễ bái hay trông chờ vào thế giới vô hình ban phước hay giáng họa cho mình. Cuộc đời của mỗi người ai gieo nhân nào thì gặt quả ấy, nhân thiện quả thiện, nhân ác quả ác. Nhờ vậy, tôi ứng dụng cho bản thân, sau 6 tháng kết quả thật viên mãn là toàn bộ tâm bệnh, thân bệnh khỏi sạch, mình trẻ ra, khỏe ra, gia đình hạnh phúc, mọi việc xung quanh rất thuận lợi. Nhân viên, vợ con, gia đình thấy tôi thay đổi họ hạnh phúc vô cùng. Tôi nhận ra tất cả khổ đều do mình tạo ra cho chính mình, không có ai đem tới cả, nó như mình cầm dây trói vào mình và tìm cách thoát ra không được. Từ trải nghiệm bản thân, tôi hiểu được con người là khởi nguồn của phát triển và cũng là kết quả của phát triển, để mang về lại cho con người và con người, doanh nghiệp muốn phát triển trường tồn thì cần phải ứng dụng “Nền đạo đức nhân bản, nhân quả của Đức Phật”. Bởi vì, tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp nó bắt đầu từ sự hiểu biết của con người. Một là từ tầm nhìn đúng và thông suốt; hai là suy nghĩ đúng thông suốt; ba là kế hoạch đúng; bốn là hành động đúng đích ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, từng giai đoạn nó chỉ là mảnh ghép lại thì thành, tan ra thì hết, nó là tầm nhìn của nhân quả và duyên hợp của tự nhiên. Nên xây dựng văn hóa là cái cốt tủy, là “kim chỉ nam” xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại, tương lai, tầm nhìn về nhân quả và duyên hợp mà thôi. Thế nên, con người mà có sự hiểu biết, có đạo đức sẽ tạo ra các sản phẩm cả thế giới cần, người ta tin dùng, thấy kết quả, lợi ích lâu dài là người ta mua. Sản phẩm ấy tử tế thì nó tự marketing, người tiêu dùng tự nhân bản truyền miệng, mạng xã hội đại chúng lan tỏa toàn cầu nhanh lắm, tự lan tỏa ra mà không cần quảng cáo hay truyền thông nhiều. Diligo Holdings là một công ty như vậy, 18 năm qua chưa bao giờ quảng cáo trên kênh truyền hình nào. Diligo bán hàng tỷ sản phẩm mỗi năm mà chưa bao giờ quảng cáo trên tivi. Nhờ sự “Tử tế từ tâm” mà thương hiệu Lipzo và Niva được xuất khẩu sang thị trường Dubai, Nhật, Mỹ, Hà Lan….
Nhờ vậy, Công ty tôi vượt qua đại dịch Covid-19 rất ngoạn mục. Lúc khó khăn nhất, Công ty chuyển nhà máy từ huyện Đông Anh về Bắc Ninh, công nhân sẵn sàng chuyển chỗ ở theo, ở nhà trọ để làm việc lo cho Công ty. Đó là tình thương, là tình người mà không tiền nào mua được. Lãnh đạo Công ty coi sự sống của mình thì cần coi trọng sự bình đẳng của công nhân viên, khách hàng, có sự yêu thương công nhân họ mới không bao giờ bỏ mình lúc khó khăn. Bởi vì người ta biết ơn, cái ơn thứ nhất là ơn giáo dục để người ta hiểu đạo đức nhân bản, nhân quả, mang văn hóa, trí tuệ, đạo đức cho người ta để người ta hiểu vì sao khổ, tại sao người ta nghèo cả trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, vật chất, tư tưởng, tinh thần? Bây giờ người ta học để giải thoát cái nghèo mà chủ doanh nghiệp lại là giảng sư cho họ, dạy cho công nhân từ một người nghiện trở thành người thương yêu gia đình, vợ con mà từ đó bỏ các thói hư tật xấu như rượu, thuốc và sống có đạo đức. Người chủ doanh nghiệp đấy chính là tấm gương đức hạnh và tài năng, là người thầy, người cha lành trong cuộc đời. Cứu giúp họ toàn diện. dạy họ giải thoát khỏi sự bần hàn trong đời sống tinh thần tới sức khỏe, vật chất. Từ trong gia đình họ yên ổn khỏe mạnh, họ lo được cho cha mẹ, cho vợ, cho con cái học hành tinh tấn, thì đấy chính là chuyển cái nghiệp từ khổ đau tới hạnh phúc. Nhờ vậy mà công nhân họ rất biết ơn người lãnh đạo, biết ơn chủ doanh nghiệp, nhờ người chủ doanh nghiệp là người thực hành, ứng dụng cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, cho cả công ty mình. Công nhân coi Công ty như chính gia đình mình và họ coi tài sản Công ty như tài sản của họ. Họ không tham, sân, si, không bao giờ ăn trộm tiền của chính mình, vì họ thấm, họ may mắn hữu duyên được biết, được hiểu 5 đạo đức Phật dạy cho cư sĩ tu tại gia, đây cũng là một phần văn hóa của Diligo. Con đường Diligo luôn tu tập theo con đường trung đạo mà Đức Phật hướng dẫn từ phật tử, đến cư sĩ, đến tu sĩ xuất gia đều là cấp độ của đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh, trung đạo có nghĩa là rất cân bằng, tâm nó bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, trước mọi cảnh xung quanh, đây là trạng thái giải thoát, không phải cầu, phải cúng, không tin vào thế giới vô hình, vô đạo đức, vô nhân quả nào cả, mà tất cả là nhân quả của mình, đây gọi là Phật pháp ứng dụng. Ứng dụng vào bản thân, vào cuộc sống, vào gia đình, vào trường học, vào doanh nghiệp, vào công ty mình. Năm đạo đức Phật dạy là:
1. ĐỨC HIẾU SINH: THƯƠNG YÊU MUÔN LOÀI VÀ BẢO VỆ SỰ SỐNG, KHÔNG NÊN SÁT SINH, HẠI MẠNG, HẠI VẬT.
2. ĐỨC LY THAM, BUÔNG XẢ: KHÔNG NÊN THAM LAM, TRỘM CẮP, THAM NHŨNG, LẤY CỦA NGƯỜI KHÔNG CHO.
3. ĐỨC CHUNG THỦY: KHÔNG NÊN TÀ DÂM, TÀ MẠNG, TÀ HẠNH.
4. ĐỨC THÀNH THẬT: KHÔNG NÓI DỐI, NÓI LÁO, NÓI LỜI THÊU DỆT, LẬT LỌNG, NÓI LỜI HUNG ÁC NHƯ BÚA BỔ, NHƯ RẮN ĐỘC, TRƯỜN UỐN NHƯ CON LƯƠN.
5. ĐỨC MINH MẪN, SÁNG SUỐT, TỈNH TÁO, BÌNH TĨNH: KHÔNG NÊN UỐNG RƯỢU, BIA, CỜ BẠC, TỆ NẠN XÃ HỘI, DÙNG CÁC CHẤT KÍCH THÍCH LÀM SAY MÊ LÒNG NGƯỜI.
Còn văn hóa của Diligo gồm có 4 phần:
Phần 1 là: 5 giới đức của Đức Phật.
Phần 2 là: Tinh thần Lục Hòa của Đức Phật.
Phần 3 là: 15 giá trị cốt lõi văn hoá Tử Tế Từ Tâm.
Phần 4 là: 38 nguyên tắc để thành công có đạo đức và tài năng.
Văn hóa của Diligo rất đặc biệt, cần đi sâu hiểu rõ bản chất và hiểu về Phật pháp ứng dụng. Văn hóa Diligo tu được, hiểu được, ứng dụng được, đó là văn hóa đạo đức nhân bản, nhân quả làm người, là công thức thành công cho từng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, trường học, xã hội.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Tạp chí văn hoá doanh nghiệp
(Hạnh Dương)