Sau 20 năm (2001-2021) xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Thái Bình Dương hiện là một trong tốp 50 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam, thực hiện những dự án đẳng cấp quốc gia và quốc tế, kiến tạo và đóng góp cho xã hội những công trình, dự án và dịch vụ chất lượng cao…
Cuối tháng 5 năm 2021 tôi có dịp vào mấy tỉnh Nam Trung Bộ, dành thời gian khảo sát khu công nghiệp Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). Đây là nơi có vị trí đắc địa, vùng ven biển, có Quốc lộ 1A và đường sắt chạy qua kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Nha Trang và Tây Nguyên. Tại đây có hơn 20 công trình, dự án, một số đã đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế vùng. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến những dự án của Tập đoàn Thái Bình Dương nổi trội tại địa bàn này.
Qua tìm hiểu được biết, Tập đoàn Thái Bình Dương do Anh hùng Phan Văn Quý sáng lập và làm Chủ tịch, có 20 công ty thành viên hoạt động, đồng hành với sự phát triển đất nước trong 3 lĩnh vực đầu tư kinh doanh: Công nghiệp, Tổng thầu EPC và Bất động sản. Sự khác biệt của Tập đoàn này là hướng tới kinh tế tri thức kết hợp doanh nghiệp trong nước với một số doanh nghiệp hàng đầu của nước ngoài,v.v…
Tại Tuy Phong, Tập đoàn Thái Bình Dương liên danh với các Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản) và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng gồm 3 tổ máy, tổng công suất 1.800 MW, vốn đầu tư 2 tỉ USD. Đây là dự án đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân trong nước sánh vai đứng ngang hàng với các Tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài, làm tổng thầu từ thiết kế, mua sắm đến xây dựng. Cả 3 tổ máy đã vận hành, hòa lưới điện Quốc gia, vượt đích trước thời gian quy định. Cũng tại Tuy Phong, Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư, xây dựng cảng quốc tế Vĩnh Tân quy mô 140 ha, tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng, công suất 8 triệu tấn/năm, có 3 bến (một bến 3.000 tấn, hai bến 5.000 tấn và một bến 7.000 tấn), vốn đầu tư 100 triệu USD, góp phần thúc đẩy xuất nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tập đoàn Thái Bình Dương cũng xây dựng nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1 ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận) của tổ hợp nhà đầu tư EDF (Pháp), Kyusch và Sojiz (Nhật Bản) công suất 2.000 MW. Đồng thời, Tập đoàn xây dựng một số dự án năng lượng tái tạo: Nhà máy điện mặt trời Thái Phong công suất 500 MW trên quy mô 600 ha, tổng mức đầu tư 15.358 tỉ đồng; nhà máy điện gió Thái Hòa, công suất 90 MW trên quy mô 30 ha, vốn đầu tư 3.800 tỉ đồng tại tỉnh Bình Thuận; đầu tư xây dựng cụm nhà máy điện gió Getech công suất 200 MW và nhà máy điện gió Thuận Phong công suất 100 MW ở tỉnh Đắk Lắk,v.v…
Tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hàng năm xả thải hàng trăm nghìn tấn xỉ, nếu không xử lí sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tập đoàn đã nghiên cứu và thành lập Công ty CP Bê-tông Vĩnh Tân chuyên tái chế lượng tro xỉ thành sản phẩm (bê-tông, phụ gia xi-măng) vừa góp phần giảm tải lượng tro xỉ tồn đọng, bảo vệ môi trường vừa cung cấp vật liệu xây dựng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tập đoàn Thái Bình Dương là một doanh nghiệp tư nhân đa ngành, có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, thuộc tốp 1 trong 50 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong nước, hoạt động, phát triển bền vững với giá trị cốt lõi là: “Hợp tác-Kỉ luật-Kế hoạch-Sáng tạo-Nhân văn” và Sologan “Trí thức nâng tầm giá trị”. Nhiều dự án, công trình đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao và đang triển khai với sự hợp tác quốc tế là nền tảng cho sự phát triển bền vững, phát huy ưu thế các bên tham gia, dựa trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi nhằm đạt mục tiêu, lợi ích chung. Với phương châm đó, Tập đoàn đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn tại các địa phương khác như đấu thầu cạnh tranh quốc tế, liên danh với Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) lựa chọn làm đơn vị thực hiện toàn bộ các hạng mục công trình thủy Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 tại huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) trị giá hàng nghìn tỉ đồng; tổng thầu xây dựng Nhà máy Điện khí LNG Long Sơn công suất 1.500 MW; xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình) 1.200 MW. Tại Hà Nội, Tập đoàn đầu tư xây dựng Tổ hợp Dịch vụ công, Thương mại kết hợp nhà ở cao cấp Tây Hồ Tây. Ở tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Thái Bình Dương có dự án Quần thể du lịch Hương Tiên Động và Khu Du lịch Văn hóa, nghỉ dưỡng Lạc Thủy theo hướng kiến trúc sáng tạo. Trong đó, có Dự án cáp treo Hương Bình dài 2,85 km, công suất 1.500-2.000 khách/giờ, đầu tư 350 tỉ đồng (theo công nghệ của Áo), kết nối chùa Hương với chùa Tiên, rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 di tích từ 60 phút xuống còn 5 phút,v.v…
Sau 20 năm (2001-2021) xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Thái Bình Dương hiện là một trong tốp 50 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam, thực hiện những dự án đẳng cấp quốc gia và quốc tế, kiến tạo và đóng góp cho xã hội những công trình, dự án và dịch vụ chất lượng cao, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, hoàn thành xuất sắc trong việc đóng góp cho nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà thời kì hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Tạp chí văn hoá doanh nghiệp
Kim Quốc Hoa