Doanh nhân Nguyệt Trần:”Thấu hiểu là hạt giống đưa doanh nghiệp đến thành công”

Doanh nhân Nguyệt Trần là một người luôn truyền đạt những năng lượng sống tích cực cho những người xung quanh. Chị là một người luôn sống và làm theo triết lí nhà Phật. Đối với việc phát triển doanh nghiệp, chị luôn giữ vững quan điểm: “Chúng ta luôn mong muốn được thấu hiểu, vì vậy hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu người khác trước tiên, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống này tuyệt vời hơn nhiều. Khi bạn nhìn nhận thế giới không chỉ từ quan điểm của riêng bạn, mà còn từ quan điểm của những người khác, bạn có thể thấu hiểu điều gì đó một cách toàn diện hơn và tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn hơn”.

Điều gì khiến chị lúc nào cũng luôn là người truyền cảm hứng cho tất cả những người xung quanh mình?

Doanh nhân Nguyệt Trần: Nguyệt Trần không có bí quyết gì ngoài việc nghĩ tích cực, làm tích cực và nói những điều tích cực. Bản thân con người ta trong cuộc sống ai cũng có những lúc có tư tưởng, ý nghĩ chán nản,… chính vì vậy khi mình là người xuất hiện trong cuộc sống của họ, mình hãy giúp họ loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực bằng cách chính mình là người sống tràn đầy năng lượng, yêu đời, nói những lời ái ngữ… tự nhiên họ sẽ như được tiếp thêm nguồn động lực mạnh mẽ, gạt bỏ những tiêu cực. Chính vì vậy cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều!

Có nhiều doanh nhân nữ chia sẻ rằng: Bên ngoài họ quá vất vả với công việc kinh doanh, chính vì vậy khi về nhà họ sẽ bớt tiếng cười cho chính tổ ấm của mình, chị nghĩ gì về điều này?

Doanh nhân Nguyệt Trần: Bản thân người phụ nữ đã thực sự vĩ đại khi cùng lúc vừa đảm đương việc gia đình, đến các mối quan hệ ngoài xã hội, rồi việc kinh doanh,… nên khi quay trở về ngôi nhà có đôi khi năng lượng tích cực của họ bị biến mất, thay vào đó mệt mỏi, căng thẳng… Lúc này người phụ nữ khôn khéo và thông minh phải biết cân bằng cảm xúc. Bởi những đứa con sẽ dựa vào nguồn năng lượng tích cực và sự yêu thương của người mẹ để luôn vui vẻ và vâng lời. Rất nhiều người hỏi Nguyệt Trần rằng: “Sao những đứa con của bạn lại luôn vui vẻ vâng lời dễ dàng như vậy và tại sao không bao giờ thấy bạn to tiếng với chúng?” Thực sự đó là cả một nghệ thuật sống. Bản thân Nguyệt Trần cũng là người, căng thẳng với kinh doanh, nhưng khi bước chân về đến ngôi nhà của mình, Nguyệt Trần sẽ vất bỏ mọi điều buồn phiền, lo lắng sau cánh cửa, khép cánh cửa lại để chỉ có gia đình. Nguyệt Trần nhẹ nhàng động viên các con, nếu những đứa trẻ được khích lệ và khen ngợi, chúng sẽ tự nhiên làm tốt hơn chúng ta tưởng vì chúng thực sự thấy điều mình làm là có ý nghĩa, được mọi người ghi nhận.

Chị sẽ làm gì khi nhân viên của mình chưa hoàn thành được nhiệm vụ?

Doanh nhân Nguyệt Trần: Bạn sẽ không thể thấu cảm với người khác, nếu bản thân dễ bị kích động và mất bình tĩnh. Khi nhân sự đi làm muộn, trễ, đánh mất khách hàng tiềm năng,… nếu như ngay lập tức bạn cáu giận, trách mắng, thì bạn đã bỏ qua rất nhiều câu chuyện phía sau. Rất có thể, nhân sự của bạn không hề cố ý, rất có thể, họ đã cố gắng rất nhiều để thay đổi tình hình nhưng vẫn thất bại. Sự cáu giận của bạn không giúp giải quyết vấn đề,mà ngày càng đẩy nhân viên ra xa. Trước những tình huống này, nếu biết cách đặt mình vào vị trí của nhân viên để hiểu được những khó khăn và cảm xúc của họ, bạn sẽ không chỉ tạo động lực cho nhân viên mà còn tránh được những tình huống tương tự trong tương lai. Hãy thử nghĩ, liệu bạn có thể thấu cảm cho người khác, khi bản thân bạn đang lo lắng, tức giận, buồn bã…? Rõ ràng, khi không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực, không nhận biết được những tác nhân tác động đến tâm trạng của mình, thì làm sao bạn có thể thực lòng thông cảm và thấu hiểu cho những người xung quanh? Thấu cảm đòi hỏi sự thiện chí trong mong muốn giúp đỡ, sự kiên nhẫn, kỹ năng lắng nghe chủ động,… Thế nhưng, để vận dụng được tất cả những kỹ năng đó, trước tiên bạn cần thấu hiểu chính mình, biết kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ để có được sự vững vàng nội tại.

Văn hóa Doanh nghiệp rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển. Là một người đứng đầu doanh nghiệp, chị nghĩ điều gì tạo nên thành công của một doanh nghiệp?

Doanh nhân Nguyệt Trần: Đối với công việc kinh doanh, khi bắt đầu mọi người chắc chắc sẽ nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng để tạo được một bộ máy là việc tích cực, bản thân người lãnh đạo phải luôn là người thấu hiểu nhân viên của mình, thấu hiểu đối tác của mình. Thực sự hiểu họ cần gì. Hiểu thôi chưa đủ mà phải thực sự thấu hiểu. Phong cách làm việc của mình và nước ngoài vô cùng khác nhau. Đối với văn hóa của các nước bạn, họ vô cùng rành mạch giữa công việc và tình cảm còn đối với người Việt chúng ta đôi khi đối với nhân viên của mình không thể chỉ đạo theo cách một cộng một bằng hai. Bởi sau công việc, thu nhập, họ còn có gia đình, con cái, nếu một người lãnh đạo thực sự hiểu về cuộc sống xung quanh họ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm và những vui buồn xung quanh họ, thì Nguyệt Trần chắc chắn bạn đã có những nhân sự thực sự ưu tú. Và chính nhờ có những nhân viên ưu tú mà doanh nghiệp của bạn thành công.

Vậy theo chị thấu hiểu chính là Văn hóa Doanh nghiệp?

Doanh nhân Nguyệt Trần: Doanh nghiệp có nền văn hóa rõ ràng, lành mạnh không những giúp tạo một lợi thế cạnh tranh khác biệt mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Thêm vào đó, Văn hóa Doanh nghiệp còn góp phần ảnh hưởng đến thái độ của nhân viên. Một môi trường làm việc và văn hóa tích cực giúp tạo động lực khuyến khích nhân viên hào hứng làm việc hơn. Xây dựng và duy trì môi trường làm việc và văn hóa lành mạnh sẽ giúp định hướng doanh nghiệp. Văn hóa còn là nguồn động lực, nguồn cảm hứng và thúc đẩy nhân viên bạn gắn kết, phát triển, đồng thời thu hút những cá nhân ưu tú cho tổ chức. Những cá nhân giỏi nhất luôn mong muốn được làm việc với những doanh nghiệp tốt nhất, và sở hữu những cá nhân ưu việt là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo thành công cho doanh nghiệp. Và để đạt được những điều đó, Nguyệt Trần nghĩ rằng đó chính là thấu hiểu được con người.

Cảm ơn chị rất nhiều!

Theo Tạp chí văn hoá doanh nghiệp

Khánh Loan