Tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng: Cần đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường

Chính sách quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng

Nhằm đánh giá thực trạng quản lý và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng tại Việt Nam và định hướng đề xuất xây dựng chính sách về quản lý, xử lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ngày 8/12, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo về: “Chính sách quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường”.

Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp

Phát biểu tại hội thảo bà Đỗ Phương Dung- Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, hiện nay, ngành Công Thương tập trung vào phát triển thương mại trong nước cũng như phục hồi sản xuất trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp với qui mô ngày càng lớn, trong nhiều ngành hàng.

Chính sách quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng
Bà Đỗ Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp

Theo bà Đỗ Phương Dung, hàng giả, hàng kém chất lượng, không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại trên cả nước… mà còn được phát hiện trên môi trường điện tử như web, sàn giao dịch thương mại. Việc quản lý, xử lý hàng hóa vi phạm bị thu giữ gặp nhiều khó khăn do vấn đề kinh phí, sự tham gia, phối hợp giữa nhiều đơn vị khác nhau, đặc biệt là hệ thống pháp luật quy định về việc quản lý, xử lý, tiêu hủy các loại hàng hóa vi phạm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện chưa đồng bộ.

Việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng trong quá trình phát hiện, thu giữ đã và đang là vấn đề được quan tâm của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các quy định liên quan hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp chỉ ra.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, năm 2020 đã phát hiện xử lý hơn 66.000 nghìn vụ vi phạm; trị giá hàng tịch thu ước tính hơn 136 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 392 tỷ đồng; thu nộp ngân sách hơn 352 tỷ đồng. Năm 2021, có 41.375 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng và tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng. Năm 2022, có 43.989 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu gần 96 tỷ đồng; số lượng lên tới hàng chục ngàn tấn.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Danh Đạt- Phó trưởng phòng tổ chức hành chính, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho hay, tính đến tháng 12/2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý trên 6.380 vụ vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng cấm, an toàn thực phẩm, tem nhãn… Thu nộp ngân sách trên 64,56 tỷ đồng. Trong đó, tổng số hàng tịch thu buộc tiêu hủy lên tới 1.677 vụ, trị giá hàng tiêu hủy trên 16,96 tỷ đồng.

Chính sách quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng
Toàn cảnh hội thảo

Thông tin thêm, ông Đinh Xuân Đoàn, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cho biết, trong những năm qua, hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình luôn được tăng cường và đạt được những kết quả khả quan, rất đáng khích lệ. Tính đến tháng 12/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã thu phạt nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước gần 4,6 tỷ đồng, số hàng hóa tịch thu ước tính (trên 3 tỷ đồng) chuyển giao 1 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, trong công tác tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng giả, hàng kém chất lượng. Cục đã tổ chức 1 đợt tiêu hủy hàng hóa có trị giá trên 1 tỷ đồng và đang chuẩn bị thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng giả, hàng kém chất lượng đợt 2 trong năm 2023. Hàng giả hàng kém chất lượng rất đa dạng với nhiều chủng loại như: Bánh kẹo, nội tạng động vật, rượu, đồ chơi trẻ em, dược phẩm, mỹ phẩm các loại…

Cần hành lang chính sách đồng bộ

Ông Ngô Đức Thanh- đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nêu, thực tế một số địa phương đã luôn cập nhật và áp dụng những chính sách mới, thực hiện rất đầy đủ quy trình xử lý quản lý tiêu hủy như lưu kho, thành lập hội đồng phân loại, chọn hình thức tiêu hủy, lựa chọn đơn vị chức năng xử lý tiêu hủy, đảm bảo quá trình quản lý, lưu kho, tiêu hủy đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; Hoạt động quản lý tiêu hủy của một số địa phương cơ bản thực hiện đảm bảo an toàn môi trường và tiết kiệm chí phí. Trong đó, một số tỉnh, thành phố xử lý tiêu hủy bằng nhiều hình thức, phương pháp: Đốt, tái chế và đồng xử lý.

Hiện tại, phương pháp đồng xử lý đang được áp dụng ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… là giải pháp cần được khuyến khích đáp ứng phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Về tồn tại, hạn chế đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho hay, hoạt động của các cơ quan chức năng còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan đối với việc thực thi quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Số lượng doanh nghiệp, cơ sở xử lý môi trường được cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở một số địa phương còn thiếu, nhiều địa phương không có cơ sở xử lý chất thải nguy hại gây khó khăn trong phương án xử lý tiêu hủy của các cơ quan chức năng; Chưa có quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành về phân loại, xử lý cụ thể đối với từng nhóm hàng hóa là hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường để các cơ quan chức năng có cơ sở thống nhất thực hiện.

Chính sách quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng
Công tác tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý

Ông Ngô Đức Thanh đề xuất, Chính phủ cần xây dựng quy định về phân loại, xử lý, tiêu hủy hàng hóa, nêu rõ, cụ thể từng nhóm mặt hàng cần phải tiêu hủy, hàng hóa có thể được xử lý tái chế…

Bộ Tài chính cũng nên sửa đổi quy định tăng mức phạt hành chính đối với các hành vi sản xuất, mua bán và tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung những vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, kiến nghị đưa hàng giả, hàng kém chất lượng buộc tiêu hủy vào danh mục chất thải hoặc hàng hóa thải bỏ để quản lý và xử lý phù hợp theo các quy định hiện hành của Luật bảo vệ môi trường”- đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đề xuất.

Theo: Báo Công Thương
Thanh Bình