Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản-Lý luận và thực tiễn” do 5 đơn vị: Báo Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sẽ diễn ra ngày 30/11 tại tỉnh Thái Bình.
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên.
100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên. Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.
Để hoàn thành mục tiêu này trong 2 năm nữa là một thách thức với ngành báo chí-xuất bản vì nhiều đơn vị vẫn chưa chuyển mình. Bên cạnh những đơn vị đã có những bước đi thành công chuyển đổi số trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, Báo Nhân Dân… hiện còn rất nhiều cơ quan báo chí lúng túng trong quá trình chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số báo chí phải thay đổi từ tư duy lãnh đạo tòa soạn, coi việc số hóa báo chí là một nhiệm vụ sống còn cho việc duy trì sự phát triển của một tòa soạn trong thời đại công nghệ số. Việc chuyển đổi số báo chí phải được thể hiện ở nhiều từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí.
Với Chiến lược Chuyển đổi số ngành xuất bản, thời gian qua, quá trình chuyển đổi số xuất bản đã đạt được một số kết quả nhất định từ phát triển công nghệ số hỗ trợ hoạt động xuất bản; triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung đến triển khai hệ thống trợ lý ảo trong biên tập xuất bản…
Với giải pháp phát triển nền tảng xuất bản và phát hành điện tử dùng chung đã đẩy nhanh tiến trình mở rộng xuất bản điện tử trong toàn ngành, làm tăng nhanh số lượng nhà xuất bản được cấp phép hoạt động xuất bản điện tử trong hai năm gần đây. Riêng năm 2022, có thêm 8 nhà xuất bản được cấp giấy phép hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, đưa con số này lên 23/57, chiếm 33,3%… Đặc biệt, áp dụng chuyển đổi số khiến cho các nhà xuất bản tạo ra những sản phẩm xuất bản mới, đa dạng và sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, trong ngành xuất bản hiện nay chưa có nhà xuất bản nào có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn. Việc cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, tập trung nguồn tài nguyên nhằm tạo điều kiện môi trường xuất bản kỹ thuật số hiện đại là yêu cầu cấp thiết.
Ngành xuất bản Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thể phát hành 500 triệu bản sách/ năm, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ về chuyển đổi số báo chí tại Phiên thảo luận về chủ đề “Đổi mới mô hình kinh doanh báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số”. |
Tại Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” do Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Công ty Google tổ chức đã diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề “Đổi mới mô hình kinh doanh báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số” tổ chức hồi tháng 9, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, vấn đề chuyển đổi số báo chí được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào và bắt nguồn từ đâu.
Theo ông Lê Quốc Minh, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công.
Cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên.
Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.
Để tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thảo luận khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số báo chí, Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản-Lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhằm cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Từ diễn đàn này, các nhà quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản sẽ cùng đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.
TRẦN LAM