Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THCS tại TP HCM cho biết năm học này có tình trạng nhiều giáo viên (GV) đang dạy lớp 9 hốt hoảng vì năm học tới sẽ phải tham gia giảng dạy các môn tích hợp.
Giáo viên tự tin sẽ hết “than” khó
Sở dĩ có tâm lý này vì đây là những GV dạy tích hợp lần đầu. “Dù trong các lần sinh hoạt tổ chuyên môn hoặc thao giảng, trường đều cử GV tìm hiểu, dự giờ, soạn bài giảng cho quen nhưng vẫn còn một số thầy cô mang tư tưởng né tránh vì không tự tin” – vị này cho biết.
Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, tâm lý không tự tin dạy tích hợp của GV chính là cản trở lớn nhất khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dù đến nay, chương trình này bước vào giai đoạn cuối triển khai, phủ sóng các cấp học.
Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho hay trường phân công một GV đảm nhận môn khoa học tự nhiên và một GV môn lịch sử, địa lý. Dù là trường “điểm” của quận 1, quy tụ đội ngũ GV giỏi nhưng theo ông, vẫn có những khó khăn, họ xác định tinh thần tự học là chính. Đối với môn giáo dục địa phương, trường phân công một GV trước đây dạy môn lịch sử, địa lý để giảng dạy lớp 6 và 7. “Ở năm trước, do thiếu GV, môn giáo dục địa phương tại Trường THCS Nguyễn Du được tổ chức theo hình thức dạy theo chủ đề, mỗi tổ chuyên môn sẽ soạn chủ đề địa phương theo môn của tổ đó, dạy thứ bảy với 4 tiết” – ông Khánh nói.
Cách làm của Trường THCS Nguyễn Du cũng là cách làm được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM chấp nhận, khuyến khích trong bối cảnh thiếu GV, nguồn đào tạo từ các trường sư phạm chưa có. Đến nay, theo ông Khánh, GV đã vững trong các giờ dạy, tự tin và không “than” nữa.
Kiên trì, nghĩ ra nhiều cách làm hay
Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, cho biết TP HCM kiên trì thực hiện dạy học tích hợp. Để có sự đón đầu các môn tích hợp một cách bài bản, các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT đã bàn với các khoa của Trường ĐH Sài Gòn về vấn đề tập huấn đội ngũ dạy môn tích hợp từ rất sớm. Năm 2019, TP HCM đã xác định nội dung các môn tích hợp và năm 2020 bắt đầu bồi dưỡng thầy cô dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý.
Thực tế, việc bồi dưỡng GV diễn ra trong thời gian ngắn nên năm đầu tiên triển khai dạy và học môn tích hợp, nhiều thầy cô cảm thấy chưa tự tin. Phòng Giáo dục trung học đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe thầy cô gặp khó khăn ở đâu nhằm tháo gỡ. Đến nay, nhiều hiệu trưởng cho biết sau một thời gian trải nghiệm, GV đã tự tin dạy các môn tích hợp.
Với mục tiêu kiên trì thực hiện, nhiều địa phương tại TP HCM đã có những cách làm hay để giúp GV tự tin dạy các môn tích hợp. Tại quận Tân Bình, ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cứ vào dịp hè, phòng GD-ĐT quận lại thực hiện chuỗi chuyên đề “chia sẻ cùng đồng nghiệp” về chương trình dạy tích hợp cho các GV THCS. Tại buổi chia sẻ, đại diện các trường THCS sẽ thay phiên chia sẻ về kế hoạch bài dạy của đơn vị mình. Sau đó, họ sẽ cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu những băn khoăn về các bài dạy ấy.
Những thắc mắc, băn khoăn của GV được đưa ra để cùng thảo luận, tranh luận. Trước đó, phòng GD-ĐT đã phân công mỗi trường THCS xây dựng kế hoạch bài dạy ở một số chủ đề của bộ môn. Việc phân công bảo đảm các trường trong quận sẽ xây dựng được 100% bài dạy theo chương trình. GV sẽ có thời gian từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng để hoàn thành kế hoạch được phân công, sau đó gửi về tổ bộ môn của phòng GD-ĐT. Sau buổi chia sẻ này, tổ bộ môn của phòng GD-ĐT bao gồm một số cán bộ, chuyên viên và GV giỏi, có cả những chuyên gia chỉnh sửa, góp ý để chốt lại vấn đề cốt lõi, kinh nghiệm giảng dạy… Nhiều bài dạy sau quá trình chỉnh sửa, góp ý được gửi thống nhất về cho các trường THCS trong quận, đưa lên hệ thống LMS như một tài liệu dạy học chung cho các GV.
Ông Phan Văn Quang, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết đến năm 2024, quận sẽ tiếp tục thực hiện “Chia sẻ cùng đồng nghiệp” với kế hoạch bài dạy các môn học lớp 9. Với cách làm này, bước vào năm học mới, GV đã có kế hoạch bài dạy của các chủ đề trong chương trình bộ môn mình phụ trách. “Phần còn lại, thầy cô sẽ bổ sung, gia giảm về phương pháp, hình thức, phương tiện dạy học sao cho phù hợp trình độ, năng lực của học sinh lớp mình” – ông Quang nói.
Trường chủ động bố trí giáo viên
Tại hội nghị tập huấn về tổ chức dạy học môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, bộ này nhận định phần lớn các địa phương gặp khó khăn do thiếu GV và GV chưa tự tin trong giảng dạy, tổ chức thực hiện. Theo Bộ GD-ĐT, việc bố trí GV dạy các môn tích hợp vẫn do các nhà trường chủ động phân công, theo hướng GV được đào tạo phân môn nào sẽ đảm nhiệm dạy và kiểm tra đánh giá phân môn đó.