Chương trình Thương hiệu Quốc gia: Hành trình hai thập kỷ và những cột mốc quan trọng

Chương trình Thương hiệu Quốc Gia:  Hành trình hai thập kỷ và những cột mốc quan trọng

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã có được những kết quả đáng khích lệ, nâng số doanh nghiệp đạt, được công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.

Chương trình Thương hiệu Quốc Gia: Hành trình hai thập kỷ và những cột mốc quan trọng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện các doanh nghiệp tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022

Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình Thương hiệu Quốc Gia Việt Nam và những cột mốc

Đối với thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2000 trở về trước, thương hiệu gần như chỉ được coi là một khái niệm, chưa có nhiều sự ảnh hưởng đến với các đối tượng cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Hiểu được tầm ảnh hưởng quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với doanh nghiệp cũng như quốc gia Việt Nam, chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 25/11/2003…

Chương trình Thương hiệu Quốc Gia: Hành trình hai thập kỷ và những cột mốc quan trọng
Chương trình Thương hiệu Quốc gia có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh

Kỳ xét chọn giải thưởng cho chương trình Thương hiệu Quốc gia gần nhất diễn ra vào năm 2022. Sau 9 tháng rà soát, lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã công nhận 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đủ điều kiện là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá hình ảnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… từ đó khẳng định vị thế trên đường hội nhập.

Chương trình Thương hiệu Quốc Gia: Hành trình hai thập kỷ và những cột mốc quan trọng
Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2023

Một trong những thành công nổi bật nhất có thể kể đến là trong năm 2022 giá trị Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam được định giá lên tới 431 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 32 – tăng 1 bậc so với năm 2021 trong Top 100 THQG có giá trị nhất trên thế giới dựa theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance (tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên về đánh giá thương hiệu các quốc gia) và được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới với mức tăng 74% trong vòng 4 gần đây.

Tiêu chí và quy trình xét chọn

Thông tư 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo đó, có 3 tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Cụ thể, 3 tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm: Tiêu chí 1: Chất lượng; Tiêu chí 2: Đổi mới sáng tạo; Tiêu chí 3: Năng lực tiên phong.

Đối với Tiêu chí 1. Chất lượng gồm 5 nội dung là: Áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) ISO 9001; áp dụng, duy trì hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 14001, SA 8000, VietGap, Global Gap… hoặc tương đương); công bố về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm; các giải thưởng chất lượng. Mỗi nội dung có số điểm tối đa 60 điểm và tổng điểm tối đa của Tiêu chí 1 là 300 điểm.

Đối với Tiêu chí 2. Đổi mới sáng tạo gồm có 8 nội dung như: Chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo; tổ chức công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); các giải thưởng sáng tạo… Tổng điểm tối đa của Tiêu chí 2 là 180 điểm.

Đối với Tiêu chí 3. Năng lực tiên phong gồm có 14 nội dung như: Tầm nhìn doanh nghiệp; giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; tầm nhìn thương hiệu; định vị thương hiệu; bảo vệ thương hiệu… Tổng điểm tối đa của Tiêu chí 3 là 520 điểm.

Việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.

Việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu 1uốc gia Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần vào các năm chẵn:

– Các doanh nghiệp muốn nộp hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm của THQG phải nộp trước ngày 31/3 của năm xét chọn đến Bộ Công Thương.

– Trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì cơ quan quản lý chương trình có trách nhiệm thông báo lại hạn nộp bổ sung đầy đủ trước ngày mùng 1/5 của năm xét chọn.

– Trước ngày 30/9 của năm xét chọn, Bộ Công Thương có trách nghiệm xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tới các doanh nghiệp

– Cuối cùng, kết quả chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ có hiệu lực trong 2 năm kể từ ngày ban hành quyết định công nhận danh sách sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn và duy nhất của Chính phủ, chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có những tiêu chí xét chọn rõ ràng theo quy định gắn với ba tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”. Mỗi tiêu chí sẽ có những quy định chấm điểm riêng biệt đi kèm với những đánh giá chi tiết để có thể đưa ra những điểm số xét duyệt thương hiệu.
Theo: Báo Công Thương
Linh Nhi