Diễn ra từ ngày 21/12 đến 24/12/2023 tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ, quận 11 – Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố năm 2023 đã thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp đến từ 45 địa phương trên cả nước.
Mong muốn tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa
Đem tới các sản phẩm bánh dừa nước chế biến đạt chứng nhận OCOP 4 sao, bà Mai Thị Ý Nhi – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Mỹ Phương Food (TP. Đà Nẵng) – chia sẻ rằng, trong tình hình khủng hoảng kinh tế chung, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về đầu ra. Do vậy, việc tham gia hội nghị kết nối cung cầu lần này doanh nghiệp mong muốn được kết nối với các nhà phân phối, cũng như người mua hàng trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh.
Công ty TNHH Mỹ Phương Food tham gia hội nghị với mong muốn bán được nhiều sản phẩm ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, đồng thời qua đó mở rộng thêm tệp khách hàng tiến tới xuất khẩu |
“Trong buổi sáng ngày đầu giới thiệu sản phẩm chúng tôi đã tiếp xúc được nhiều nhà mua hàng, chủ siêu thị và có cơ hội chào hàng trực tiếp tới họ. Đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi có thể xúc tiến đưa hàng vào TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng qua đó được xuất khẩu đi nhiều thị trường khác trên thế giới”- bà Nhi cho biết.
Nước mắm Cửa Lò, tương Nam Đàn mong muốn kết nối rộng rãi với người dân TP. Hồ Chí Minh |
Cũng như Công ty TNHH Mỹ Phương Food, các sản phẩm nước mắm Cửa Lò, tương Nam Đàn của Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An vốn đã có thị trường ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Tuy vậy với thị trường miền Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chưa tiếp cận được. Do vậy, theo ông Hoàng Văn Phước – Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An, đến với hội nghị này công ty mong muốn quảng bá sản phẩm và kết nối được những hệ thống phân phối, siêu thị lớn của TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đưa sản phẩm thủy sản của Nghệ An, đặc biệt là sản phẩm nước mắm Cửa Lò có mặt rộng rãi tại các hệ thống siêu thị, các nhà phân phối này.
Trong khi đó, những sản phẩm ca cao bột, cà phê, hạt mắc ca của của Công ty Cà phê Hương Quê – Đắk Nông vốn đang có mặt trên thị trường TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong hệ thống siêu thị Co.opmart. Tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa thực sự được nhiều như kỳ vọng, bởi vậy doanh nghiệp mong muốn mở rộng tiếp cận thêm một số hệ thống phân phối lớn của thành phố.
Công ty Cà phê Hương Quê – Đắk Nông giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trải nghiệm |
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Quý – Giám đốc Công ty Cà phê Hương Quê – Đắk Nông, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh. Ở những lần tham gia trước công ty đã may mắn tiếp cận được với các hệ thống siêu thị. Vì thế, lần tham gia này công ty mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa với các hệ thống phân phối, các siêu thị và được tạo điều kiện để sản phẩm của Hương Quê Đắk Nông đến gần hơn với người tiêu dùng thành phố.
“Chúng tôi ngoài tham gia kết nối trực tiếp cũng mong muốn được các hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn hướng dẫn thêm để có những cải tiến về mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng sản phẩm… sao cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”- ông Nguyễn Văn Quý bày tỏ.
Người tiêu dùng quan tâm tìm hiểu các sản phẩm của Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh |
Còn với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh (Kon Tum) thì việc được tạo điều kiện tham gia ở những chương trình kết nối có quy mô lớn như hoạt động lần này rất quan trọng. Bà Triệu Thị Linh – Giám đốc Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh (Kon Tum) cho hay, trong xu thế “nhà nhà làm doanh nghiệp”, “người người làm doanh nghiệp”, ai cũng có sản phẩm riêng và đều nói sản phẩm của mình sạch- tốt nên việc cạnh tranh trên thị trường vô cùng gay gắt. Trong khi đó, những doanh nghiệp mới khởi nghiệp nguồn vốn còn rất hạn chế thì việc đầu tư bao bì và đầu tư cho các kênh truyền thông đó là một điều rất khó khăn. Ngoài ra khi đưa hàng vào hệ thông phân phối tỷ lệ chiết khấu cao- cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi kỳ vọng lần tham gia kết nối này người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh sẽ biết đến sản phẩm sâm của công ty nhiều hơn”- bà Linh cho biết.
Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp
Thông tin về hội nghị kết nối cung cầu năm nay, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, có 45 địa phương trên cả nước đăng ký tham gia 700 gian hàng, giới thiệu và bày bán hàng ngàn mặt hàng đặc sản địa phương tại sự kiện. Ngoài ra, các tỉnh, thành còn trình diễn 19 không gian văn hóa làng nghề đặc sắc. Hoạt động kết nối cung cầu lần này cũng là cao điểm của chuỗi hoạt động xuyên suốt năm 2023 mà TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong liên kết với 6 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hoạt động liên kết này tạo ra sự kết nối bền vững giữa việc cung cấp sản phẩm với nhu cầu thị trường. Đây cũng là cơ hội để đo lường phản ứng thị trường đối với những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền trên cả nước. Ở chiều ngược lại, các hiệp hội và doanh nghiệp bán hàng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tìm được cơ hội đầu tư vùng nguyên liệu, vùng sản xuất bền vững.
Ghi nhận từ đánh giá sơ bộ của các doanh nghiệp phân phối cho thấy, so với những năm trước, các nhà sản xuất, nhà cung cấp địa phương đã có sự tiến bộ lớn. Không chỉ chào hàng những sản phẩm đặc sắc, nhà sản xuất còn đầu tư và chuẩn bị kỹ ở cả khâu bao bì, mẫu mã, các loại chứng nhận lẫn sự chuyên nghiệp tiếp xúc với nhà phân phối.
Quản lý thu mua các ngành hàng của chuỗi siêu thị Emart làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp tại hội nghị |
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hữu Tình, quản lý cấp cao Marketing Công ty TNHH Thiso Retail (vận hành chuỗi siêu thị Emart)- cho biết: Năm nay chuỗi siêu thị Emart đã cử đầy đủ quản lý thu mua các ngành hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hàng phi thực phẩm và hàng thời trang đến tiếp xúc đa dạng nhà cung cấp từ nhiều tỉnh thành.
Theo đánh giá của ông Lê Hữu Tình, nhiều sản phẩm năm nay được chọn lựa kỹ hơn, chất lượng tốt hơn nhờ có sự chuẩn bị dài hơi của các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Có nhiều sản phẩm các tỉnh thành rất đặc sắc, ví dụ miến dong, trà hoa vàng của tỉnh Bắc Kạn, nem chua Thanh Hóa, thịt trâu gác bếp Đắk Lắk, quýt Đồng Tháp, chè Shan Tuyết cổ thụ của Hà Giang, trầm hương Quảng Nam,…
“Chỉ tính riêng trong ngày 21/12, Emart đã tiếp xúc khoảng 70 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng. Một số doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ khá tốt, cơ hội đưa hàng vào siêu thị cao, dù vẫn còn nhiều bước tiếp theo cần thực hiện. Cũng có một số doanh nghiệp chưa nắm được quy trình thu mua của siêu thị, hồ sơ còn đơn giản. Đối với các doanh nghiệp này, đại diện thu mua Emart đã hướng dẫn cụ thể và chi tiết để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để chào hàng vào hệ thống siêu thị Emart”– ông Lê Hữu Tình cho biết thêm.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lần thứ 12 cùng chuỗi các sự kiện có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với phát triển kinh tế thành phố mà còn là động lực đẩy mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, qua 11 năm triển khai thực hiện, xét về quy mô, hiệu quả của hội nghị ngày càng được mở rộng, hàng hoá dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày một nhiều. Từ chỗ chỉ là hội nghị kết nối hàng hoá đơn thuần, đến nay hội nghị đã được xây dựng một cách quy mô và phong phú, đa dạng với sự tham gia của khoảng 45 tỉnh, thành phố.
“Hội nghị đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua – bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến; góp phần cung cấp nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, phục vụ thị trường thành phố dịp Tết Giáp Thìn 2024”– Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.