Logistics đứng trước thách thức mới
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, logistics luôn là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, là nơi tập trung luồng hàng hoá toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển dịch vụ logistics”- ông Tạ Hoàng Linh thông tin.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, cộng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Đến nay, cả nước đã có khoảng 35.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ phát biểu tại diễn đàn |
Logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%.
Với khu vực châu Âu – châu Mỹ, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, từ nhiều năm nay, khu vực này đã được biết đến là thị trường quan trọng, là nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ (lớn nhất), Liên minh châu Âu (lớn thứ 3) cùng nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng khác. Số liệu thống kê cho thấy năm 2023, thặng dư thương mại giữa Việt Nam với khu vực này đạt 125 tỷ USD. Trong đó, thặng dư với thị trường Mỹ đạt 92 tỷ USD và khu vực châu Âu là 33 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, sức ép với ngành logistics trong việc tối ưu hóa để cạnh tranh, giành được đơn hàng càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế về môi trường cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
“Trong bối cảnh đó, để có thể nắm bắt được các cơ hội nói trên, các giải pháp logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì tính bền vững, nâng cao tính chống chịu của chuỗi cung ứng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng
Theo ông Joel Perler – Giám đốc Phát triển kinh tế, Phòng Phát triển kinh doanh, cảng Long Beach, hiện đại hóa hạ tầng và tối ưu hóa logistics là một trong những yêu cầu quan trong nhằm nâng cao hiệu quả logistics. Điển hình như tại cảng Long Beach, trong 10 năm qua, cảng này đã đầu tư 1,6 triệu USD vào hệ thống hạ tầng cảng biển bao gồm hệ thống cảng nội bộ và kết nối hạ tầng xung quanh. Hiện nay cảng đã kết nối với 260 cảng biển tại các bang trên cả nước Mỹ với lượng phương tiện vận tải lên tới 10.000 xe mỗi ngày. Hiện hệ thống cầu cảng tại Longbeach có thể đón tàu chứa 16.000 TEU. Điều này giúp cảng biển này trở thành cảng biển xuất khẩu số một tại Mỹ và là cảng vận chuyển container bận rộn thứ 21 trên thế giới.
Các đại biểu tham gia thảo luận tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics |
Cùng với việc đầu tư hạ tầng, ngành logistics Việt Nam cần tận dụng phương thức vận tải đa phương nhằm khai thác hiệu quả tiết kiệm thời gian, chi phí và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và Thương mại đường sắt Ratraco, việc sử dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Á – Âu kết nối giữa Việt Nam – Trung Quốc – các nước Trung Á – Liên Bang Nga – EU là một trong những giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics cũng như đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có hơn 3.000km đường sắt. Trong đó, chỉ có 15% hệ thống đường sắt đảm bảo tiêu chuẩn vận chuyển với tốc độ nhanh. Điều này khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài, nhất là với các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.
Cùng với đó, công suất khai thác phương thức vận tải này vẫn còn thấp. Điển hình như tại tuyến Việt Nam – Liên Bang Nga, hiện tại khối lượng vận chuyển container qua đường sắt còn thấp, trung bình mỗi chiều đạt khoảng 30 – 40 container/tháng. Sản lượng vận chuyển thấp chủ yếu do hạn chế về vỏ container, nhu cầu còn phân tán, chưa tập trung đủ số lượng để chạy chuyên đoàn tàu container. Do đó, để cải thiện vấn đề này, ông Hùng cho rằng thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên container giữa Việt Nam (ga Yên Viên) và Liên Bang Nga (ga Vorsino – Moscow).
Bên cạnh tuyến vận tải đường sắt, Ratraco đang cùng các đối tác xây dựng và vận hành tuyến vận chuyển đa phương thức (đường sắt kết hợp với đường biển giữa Việt Nam và Liên Bang Nga. Với giải pháp này, từ Moscow có thể kết nối đường sắt tới Vladivostock rồi đi đường biển về các cảng biển tại Việt Nam và ngược lại.
Liên quan đến việc cải thiện hiệu suất logistics, Giáo sư Daniel Wong, Đại học Bang Porland, Hoa Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá các mô hình quản trị rủi ro. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo an ninh mạng. Theo đó, doanh nghiệp phải làm sao để đổi mới công nghệ kết nối toàn cầu mà vẫn an toàn thông tin, không bị tụt hậu và bị đào thải.
Bên cạnh đó là đảm bảo yếu tố nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực không chỉ là nhân sự kỹ thuật, phần mềm, thông tin mà còn cả nhân sự về nội dung, giải quyết vấn đề của doanh nghiệp bằng công nghệ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi. “Nếu như cách đây khoảng 3 năm, chúng ta nói nhiều đến công nghệ Blockchain thì hiện nay là công nghệ AI, chat GPT, và rất có thể ngày mai sẽ là những công nghệ mới hơn”, Giáo sư Daniel Wong nhấn mạnh.