Gắn kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với vùng châu thổ Cửu Long

Gắn kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với vùng châu thổ Cửu Long ảnh 2
Trải nghiệm Bãi Bồi ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, một trong những sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, nổi tiếng ở Cà Mau.
Trải nghiệm Bãi Bồi ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, một trong những sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, nổi tiếng ở Cà Mau.

Hội nghị với chủ đề “Nâng tầm liên kết – Phát triển bền vững” là một trong nhiều hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện “Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”, diễn ra tại Cà Mau từ ngày 10 đến 13/12/2023.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, liên kết vùng để tạo đột phá, phát triển du lịch là xu thế tất yếu, tạo ra không gian để quảng bá, đầu tư, phát triển du lịch. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Gắn kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với vùng châu thổ Cửu Long ảnh 1
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân phát biểu khai mạc hội nghị.

Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch đang được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sáng tạo, góp phần tạo sự chuyển biến du lịch vùng, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch; tạo ra giá trị khác biệt của thị trường du lịch nội địa và quốc tế.

Tại Cà Mau, nhờ đẩy mạnh gắn kết liên kết vùng và các tour, tuyến lữ hành mà trong năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 2 triệu lượt, vượt 13,5% so với kế hoạch, tăng 18% so với năm 2022.

Tổng doanh thu về du lịch hơn 2.900 tỷ đồng, vượt 8,6% kế hoạch và tăng 20% so với cùng kỳ.

Gắn kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với vùng châu thổ Cửu Long ảnh 2
Nhờ đẩy mạnh liên kết mà Cà Mau có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó có du lịch trải nghiệm cuộc sống vùng sinh thái lúa-tôm.

Thông tin tại hội nghị, ông Lê Trương Hiền Hòa , Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, chương trình liên kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2030 là chương trình liên kết hợp tác đầu tiên về du lịch được triển khai trên phạm vi rộng với sự liên kết của 14 tỉnh, thành phố, tạo hiệu ứng lan toả đến nhiều vùng liên kết khác trên phạm vi cả nước.

Sự liên kết này được sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo cấp ủy , chính quyền địa phương nằm trong chuỗi liên kết. Sự liên kết tập trung vào 5 nội dung trọng tâm, gồm: Quản lý nhà nước về du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.

Nhờ đó mà trong năm 2023 có hơn 2,7 triệu lượt khách sử dụng chương trình du lịch chuỗi liên kết về khu vực đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm văn hoá, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ.

Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chủ trì, tổ chức được 7 chương trình khảo sát du lịch (Famtrip), kết nối khoảng 600 doanh nghiệp du lịch – lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh với các đơn vị cung ứng du lịch tại Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang…

Chương trình liên kết đã xây dựng được một thương hiệu lớn để quảng bá, xúc tiến đến các thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau được xác định là cửa ngõ để hút các thị trường khách từ các tỉnh, thành phố đến và trao đổi nguồn khách giữa các địa phương theo hướng bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình liên kết; góp ý về nội dung, hình thức liên kết phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị liên quan để tăng sức hút cho chương trình, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hội nghị cũng triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.

HỮU TÙNG

Theo: Tạp chí điện tử việt đức