Kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao

Kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao

Nhiều điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu có sự suy giảm so với năm 2022 do tổng cầu suy yếu, tuy nhiên xuất khẩu đã dần phục hồi trong nửa cuối năm.

Kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Xuất nhập khẩu

Cụ thể, hết quý I, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu đã dần có những tín hiệu phụ hồi từ cuối quý II khi tháng sau cao hơn tháng trước (tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6; tháng 9 tăng 9%). Đến cuối quý III, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu ước đạt 354-355 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,5% so với năm 2022.

Đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và nhóm hàng nông sản, thuỷ sản đã có sự phục hồi khá. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Sau 11 tháng năm 2023, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 86,1 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trị giá xuất khẩu giảm 7,2% (đạt 236,5 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao
Xuất khẩu gạo là điểm sáng năm 2023

Xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản tăng so với năm trước. 11 tháng đầu năm đạt kim ngạch 29,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70%; hạt điều tăng 17,2%; cà phê tăng 0,4%; xuất khẩu gạo tăng 14,5% về lượng và 34,1% về trị giá.

Điểm sáng nhất trong bức tranh xuất nhập khẩu năm 2023 chính là cán cân thương mại cả năm tiếp tục xuất siêu với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ cam kết trong các Hiệp định FTA. Trị giá kim ngạch xuất khẩu có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao. 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu có sử dụng C/O đạt 64 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm ngành hàng đã tận dụng tốt C/O nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như gạo, dệt may…

Công tác tham mưu được thực hiện kịp thời

Bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu, chỉ đạo nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu Bộ Công Thương ban hành 01 Nghị định và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành 07 Thông tư điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, tham mưu ban hành các Đề án, Chiến lược về xuất nhập khẩu.

Nhằm đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ động theo dõi, cung cấp thông tin về những diễn biến về kinh tế – chính trị tại các nước để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng phó, cũng như thông tin kịp thời cho các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, vào ngày 25/4/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị với gần 100 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, xuất khẩu, một số doanh nghiệp lớn trong từng ngành hàng.

Cục còn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam. Thường xuyên trao đổi với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các Vụ Thị trường ngoài nước để xác định cụ thể những rào cản kỹ thuật mới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản kỹ thuật mới, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững. Đặc biệt, phối hợp với các địa phương tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị tận dụng các ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thế hệ mới trong bối cảnh mới (tập trung tại các địa phương là vùng nguyên liệu xuất khẩu nông, thủy sản: Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung, phía Bắc)…

Đối với hoạt động thương mại biên giới, Cục Xuất nhập khẩu đã tiếp tục tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hoạt động về thương mại biên giới và từng bước đưa hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình tại các cửa khẩu và kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn các tỉnh, đặc biệt là trái cây, nông sản, để chủ động nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện từ sớm, từ xa nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc tại các bến bãi, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp…

Cục thường xuyên cập nhật, đưa tin về tình hình, diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; qua đó, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề phát sinh.

Cục còn tích cực, chủ động đề xuất phương án và tham gia họp đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA); xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn thực thi quy tắc xuất xứ hàng hoá theo các Hiệp định. Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện số hóa hoạt động cấp C/O cho thương nhân. Thông qua việc đàm phán, trao đổi với các nước đối tác, Việt Nam đã thực hiện việc cấp C/O điện tử toàn trình cho các C/O mẫu D (Hiệp định ATIGA), mẫu AK và VK (Hiệp định AKFTA và VKFTA) và đang trong quá trình trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với Liên minh Kinh tế Á Âu để triển khai việc trao đổi dữ liệu C/O điện tử.

Mục tiêu nào cho xuất nhập khẩu năm 2024?

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.

Mặc dù vậy, xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục. Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của ta trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Để đạt được mục tiêu này, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu xác định bám sát tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 đã đăng ký, đảm bảo về tiến độ và chất lượng ban hành văn bản. Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực được phân công theo dõi để kịp thời phản ánh, cập nhật tình hình thực tế và kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nếu cần thiết.

Cục cũng sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Ngoài ra, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu. Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn kịp thời các cam kết theo các Hiệp định FTA đã ký kết, các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện đang và sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết trong thời gian tới…

Theo: Báo Công Thương
Bảo Ngọc