Liêm chính khoa học: Khó hay dễ?

Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc, số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế tăng mạnh 10 năm trở lại đây đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó nổi lên vấn đề liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Vi phạm liêm chính ngày càng tinh vi

Nhận diện hành vi vi phạm liêm chính, PGS-TS Trương Việt Anh, ĐH Bách khoa Hà Nội, chỉ rõ đạo văn là 1 trong 5 hành vi phổ biến. Dù là các nước phát triển hay đang phát triển, nước công bố ít hay công bố nhiều công trình thì đều có tỉ lệ đạo văn nhất định.

Ngoài ra còn có hành vi đưa tên người không tham gia nghiên cứu vào làm tác giả hoặc đồng tác giả công trình. Tiếp đến là các hành vi làm thuê, làm hộ công trình khoa học; sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng ý; bịa đặt, sử dụng số liệu giả.

PGS Trương Việt Anh nhận định nguyên nhân dẫn đến vi phạm có thể vì áp lực về số lượng công bố công trình cá nhân, do việc công bố sẽ tạo cơ hội thăng tiến, do cam kết khi nhận các nguồn tài trợ hoặc gánh nặng kinh tế gia đình.

TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), nhìn nhận hình thức vi phạm liêm chính ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, nhất là chuyện đạo văn, chỉnh sửa số liệu. Đây là những hình thức cổ điển, đã diễn ra mấy chục năm nay nhưng sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo đã sinh ra rất nhiều cách thức gian lận mới. Có những mạng lưới, hệ thống cấu kết với nhau, từ tác giả, chuyên gia bình duyệt đến biên tập viên, tổng biên tập của các tạp chí.

Một giáo sư ĐH ở TP HCM cho rằng ngay ở những nước phát triển, tại những trường ĐH danh tiếng vẫn có những nhà khoa học lớn vi phạm đạo đức khoa học. Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm ở Việt Nam khá lớn và phức tạp.

Theo giáo sư này, đối với người làm khoa học, trung thực là yếu tố đầu tiên phải có. Chỉ có sự trung thực mới giúp nhà khoa học minh tuệ để sáng tạo khoa học, mới có thể tiệm cận chân lý. Dẫu vậy, trong những điều kiện cụ thể, ở những môi trường cụ thể, vẫn có những sai phạm, nhất là khi có cầu thì ắt có cung.

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia đánh giá đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiện nay còn thấp. TS Đinh Minh Hằng, Trưởng Phòng Hành chính Đối ngoại – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay trường có 636 giảng viên, bao gồm 424 tiến sĩ và 128 giáo sư, phó giáo sư.

Tuy nhiên, kinh phí nghiên cứu khoa học chỉ được cấp khoảng 6 – 8 tỉ đồng/năm; tính trung bình, mỗi giảng viên được đầu tư 10 – 15 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, hình thức đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ.

Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH

Vấn đề nằm ở cơ chế?

Để xây dựng nền khoa học liêm chính, trong sạch, theo TS Dương Tú, cần có chính sách bảo đảm lợi ích cho nhà khoa học để họ có thể sống đàng hoàng, yên tâm công tác, không phải đánh đổi sự trung thực, liêm chính lấy miếng cơm manh áo, lo cho cuộc sống hằng ngày.

Nhà nghiên cứu phải cảm thấy niềm vui, hạnh phúc khi được xã hội tài trợ cho nghiên cứu để phục vụ cộng đồng. Thay vì chạy theo số lượng, các nhà khoa học tập trung vào chất lượng nghiên cứu, quay lại bản chất của khoa học là sáng tạo tri thức, phát hiện tri thức.

GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam, cho rằng cần xây dựng hệ thống để làm sao nhà khoa học không cần gian dối, không muốn gian dối, không dám gian dối và không thể gian dối. “Cái gốc phải là “không cần gian dối”, tức là phải đủ ăn, đủ sống. Nếu nhà khoa học không đủ sống, họ chẳng có gì để mất thì sẽ nghĩ rằng gian dối cũng chẳng sao!” – GS Phùng Hồ Hải phân tích.

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP HCM, các bộ Khoa học và Công nghệ, GD-ĐT cần sớm có một bộ quy tắc chung, rõ ràng về vấn đề liêm chính. Từ bộ quy tắc này, các trường sẽ tham chiếu để xây dựng bộ quy tắc riêng cũng như quy trình giám sát, hậu kiểm và chế tài cụ thể.

Chung quan điểm, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, cho rằng cần có khung quy định bao trùm về liêm chính học thuật từ góc độ quản lý nhà nước và đây sẽ là căn cứ nền tảng.

GS-TS Phùng Hồ Hải cho rằng trong vấn đề liêm chính, “không thể nói chuyện đạo đức với nhau mà phải nói bằng luật pháp”. Theo ông, luật pháp được đề cập ở đây phải ở tầm thể chế, cơ chế bởi hiện tượng vi phạm liêm chính hiện nay chính là do hoàn cảnh, cơ chế tạo ra.

“Không phải người ta tự nhiên “đổ đốn”. Cơ chế tạo ra như thế. Cách đây mấy chục năm làm gì có những chuyện vi phạm liêm chính khoa học như đang xảy ra? Do đó, vấn đề quan trọng nhất là sửa cơ chế cho đúng” – GS Phùng Hồ Hải bày tỏ quan điểm.

Một giáo sư ĐH ở TP HCM cho rằng câu chuyện liêm chính khoa học thường nổi lên vào những dịp xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Do đó, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc lại quy trình công nhận chức danh và bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư hiện nay.

“Trong tự chủ ĐH, nên chăng giao việc bổ nhiệm phó giáo sư, giáo sư về cơ sở đào tạo bởi chức danh gắn với người thầy tại trường ĐH, được luật pháp công nhận. Chức danh cũng phải gắn liền với chiến lược, định hướng phát triển chuyên môn, khoa học của nhà trường. Từ đó, liêm chính khoa học gắn với uy tín của nhà trường” – vị giáo sư này đề xuất.

Ông TRẦN HỒNG THÁI, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:

Giải quyết công khai, minh bạch

Liêm chính trong nghiên cứu khoa học là đòi hỏi quan trọng. Nếu vi phạm liêm chính để làm những hành vi trái đạo đức, thậm chí trái pháp luật thì phải xử lý. Tuy nhiên, câu chuyện vi phạm liêm chính động chạm đến các nhà khoa học, nhà giáo – đội ngũ trí thức rất nhạy cảm, nên khi chưa có minh chứng rõ ràng thì không nêu tên cụ thể để tránh ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể.

Trong các vi phạm, vấn đề nào liên quan pháp luật thì xử lý theo pháp luật, vấn đề nào liên quan đạo đức thì xử lý theo quy chế. Không thể dùng pháp luật để xử lý vấn đề liên quan đến đạo đức. Bản chất pháp luật là dựa trên nền móng văn hóa. Trong trường hợp vấn đề gây bức xức, khó quản lý thì các cơ quan nhà nước sẽ sử dụng các biện pháp khác nhau để giải quyết.

Đã đến lúc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT phải vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính trong nghiên cứu và công bố. Qua đó, từng bước tạo ra môi trường khoa học – công nghệ, giáo dục, giảng dạy lành mạnh, hạn chế những ý kiến phản hồi tiêu cực từ các phía.

Tuy nhiên, cần ứng xử với liêm chính khoa học một cách văn hóa bởi chúng ta đang ứng xử với đội ngũ cần được tôn trọng. Vấn đề liêm chính cần giải quyết nhưng cũng phải làm một cách công khai, minh bạch, dân chủ.

PGS-TS NGUYỄN TÀI ĐÔNG, Viện trưởng Viện Triết học:
Tránh nhân danh liêm chính để đấu tố nhà giáo

Chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, nghị định hay các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT và của nhiều trường, nhiều tạp chí. Chỉ có điều, chúng ta chưa có một quy định tổng thể nên bây giờ cần một khung pháp lý chung.

Trong các ngành nghề, ngành nghiên cứu và đào tạo là những ngành đòi hỏi liêm chính cao nhất. Nghiên cứu và đào tạo theo đuổi tri thức, trí tuệ và chân lý. Bản thân chân lý là giá trị, nếu như không bảo vệ điều này sẽ không còn khoa học.

Cần tránh tình trạng đấu tố các nhà khoa học nhân danh bảo vệ liêm chính, biến công việc thực hiện liêm chính thành cơ hội để mạt sát các nhà giáo, các nhà khoa học – vốn là những người nghèo nhất, có liêm sỉ nhất và cũng có sự liêm chính nhất.

Y.Anh – X.Hoa ghi

 

Theo: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG