Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức Huy và quá trình nghiên cứu Văn hoá Việt Nam

“Mỗi đất nước là một nền văn hoá độc đáo, riêng bản thân tôi khi nghiên cứu về văn hoá con người Việt Nam, tôi cảm nhận văn hoá Việt Nam không những độc đáo mà còn rất nhiều điều kỳ bí, huyền bí”. Đấy là những chia sẻ của Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức HuyGiám đốc Công ty TNHH Giáo dục Bé Ngoan.

PGS.TS Nguyễn Văn Y – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM trao bằng Thạc sĩ cho Nhà giáo Ngô Đức Huy tại Trường Đại học Sài Gòn năm 2021.

Là một doanh nhân, một nhà giáo dục nhưng mang trong mình sứ mệnh cao cả – bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá Việt, thầy có thể chia sẻ những nét độc đáo về con đường nghiên cứu của mình?

Nhà giáo Ngô Đức Huy: Nói đến hai từ “văn hoá” thì bất kỳ một quốc gia nào hay một bộ tộc người nào cũng đều có những nét độc đáo riêng. Mỗi đất nước là một nền văn hoá độc đáo, riêng bản thân tôi khi nghiên cứu về văn hoá con người Việt Nam, tôi cảm nhận văn hoá Việt Nam không những độc đáo mà còn rất nhiều điều kỳ bí, huyền bí. Những phong tục cổ truyền mà khi tôi còn nhỏ luôn được chứng kiến các cụ, ông bà hay thế hệ trước đó thực hiện lại là điều thú vị đặt trong suy nghĩ của tôi. Tôi luôn thắc mắc với người lớn vì sao lại làm như thế? Vì sao dù ở bất kỳ tôn giáo nào thì người Việt Nam đều có những nét chung về phong tục cổ xưa đến nay không thay đổi khi thực hành văn hoá tâm linh. Phải chăng có những lời tiên đoán thông qua các câu ca dao, tục ngữ xưa để lại thì lại đúng với xã hội khách quan bây giờ? Điều đó hoàn toàn không phải do tính may rủi mà do chính kinh nghiệm cha ông ta để lại. Nó luôn là điều thú vị mà hầu hết mỗi người trong chúng ta đều thắc mắc nhưng ít người được giải thích đến nơi đến chốn. Vì vậy đây là điều khiến tôi yêu thích và bắt đầu công việc nghiên cứu của mình.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Nhân Lực Nhân Tài cùng nhà báo Hồ Hải Long – Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia và Thị trường trao tặng bảng vàng cống hiến cho Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức Huy.

Vừa là một nhà khoa học, một người đứng đầu doanh nghiệp giáo dục dạy cho con người tin vào khoa học và cũng là một nhà nghiên cứu tâm linh, thầy có gặp khó khăn khi công việc của mình đang mâu thuẫn với những giả thuyết minh chứng tâm linh và khoa học mà một nhà nghiên cứu khoa học cần phải đưa ra?

Nhà giáo Ngô Đức Huy: Thật sự đây luôn là thách thức của bất kỳ nhà khoa học nào khi nghiên cứu tâm linh. Đối với khoa học khi đưa ra một giả thiết nào cần chứng minh, chúng tôi phải tìm đủ các luận điểm, bằng chứng để chứng minh một giả thiết khoa học tồn tại là đúng hoặc sai. Nhưng tâm linh người Việt Nam thì khó hơn nhiều, có những giả thuyết chúng tôi chứng minh được vì nó hiện hữu. Giả sử theo ông bà ta nói “Ác giả ác báo” là đúng hay sai? Thì dựa trên nền tảng thuyết nhân quả của Phật giáo, hay thuyết “Gieo gì gặt đấy” trong kinh thánh Công giáo, hoặc các giáo lý của nhiều tôn giáo khác nhau luôn có những lời dạy này. Dựa trên kinh nghiệm sống, các câu chuyện cổ tích và sự phát triển của tâm lý con người thì chúng tôi dễ dàng chứng minh được người làm việc xấu thì kết quả sẽ giống như việc làm của họ. Đó là những điều mà một nhà khoa học thấy, tìm luận điểm, tìm bằng chứng thực tiễn để chứng minh. Nhưng qua đó, văn hoá tâm linh người Việt còn có những điều mà mắt chúng ta không được thấy, tai chúng ta không được nghe nhưng không một ai dám phủ nhận hay kết luận đúng sai thì đó mới là điều khó khăn cho một nhà nghiên cứu khoa học, tránh việc nghiên cứu sa vào mê tín dị đoan hay bế tắc trong nghiên cứu. Chẳng hạn những chủ đề xoay quanh con người sau khi chết, chủ đề con người qua nhập đồng có thể giao tiếp được với thần linh, hay những khả năng ngoại cảm mà con người ta có được…

Dẫu vậy, cũng có rất nhiều trường hợp tâm linh phản ánh được sự kiện của con người, giúp con người vững tin vào công việc nào đó hay sự chỉ dẫn con người làm điều gì đó. Chẳng hạn tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt, tục giỗ chạp hàng năm “uống nước nhớ nguồn”, phong tục ăn Tết cổ truyền của người Việt hay những kiêng kỵ khi khởi đầu một năm mới. Tục cúng bái khi một doanh nghiệp đang hoạt động và phát triển cũng có những quy luật ngầm mà không phải ai cũng biết điều này. Những tín ngưỡng đó vẫn luôn là điều thú vị trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, nó tạo nên sự đa dạng về nét văn hoá cổ truyền người Việt Nam.

Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức Huy trong các buổi gặp gỡ doanh nghiệp.

Từ nền tảng văn hóa dân tộc, thầy có thể chia sẻ thêm về văn hoá trong một doanh nghiệp mà thầy đang xây dựng cho doanh nghiệp giáo dục của mình? Thầy có lời khuyên nào để góp phần xây dựng nên hệ thống giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam hiện nay?

Nhà giáo Ngô Đức Huy: Từ nền tảng văn hoá dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Lá lành đùm lá rách” mà nền văn hoá dân tộc tạo nên một nền văn hoá trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp chúng tôi với phương châm “Cho đi trước rồi nhận lại sau”, với mong muốn đào tạo nên những con người mang lại lợi ích cho Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn những thế hệ sau không những giỏi về trình độ văn hoá mà còn giỏi về nét đẹp truyền thống trong mỗi tâm hồn người Việt Nam. Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày để tạo ra những giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Mỗi một năm học trôi qua, từng thế hệ học trò ra trường đều mang lại rất nhiều cảm xúc cho doanh nghiệp giáo dục chúng tôi. Hình ảnh một doanh nghiệp Việt Nam luôn tương trợ lẫn nhau trên thị trường quốc tế luôn là điều ấn tượng trong tôi. Tôi luôn ao ước rằng từng người trong chúng ta, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào hay đang sinh sống tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, hãy luôn nhớ, phát huy và gìn giữ những nét đẹp của người Việt, tạo nên giá trị tâm linh Việt Nam, thêm nhiều di sản văn hoá phi vật thể để Unessco công nhận. Vì người Việt Nam còn rất nhiều điều huyền bí trong nét đẹp văn hoá tâm linh mà chúng ta chưa biết hết được.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Nhà giáo, Thạc sĩ Ngô Đức Huy!

Theo Tạp chí văn hoá doanh nghiệp

(Hạnh Dương)