Nhức nhối khi nhà giáo bị đe dọa, tấn công

ThS Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP HCM), cho biết lâu nay, trong khi chúng ta đang loay hoay tìm liều thuốc để điều trị nạn bạo lực học đường mà đối tượng bị bạo lực chủ yếu là học sinh, sinh viên… thì còn một bộ phận rất quan trọng là đội ngũ nhà quản lý, thầy cô giáo cũng đang là nạn nhân của bạo lực.

Bà Hồng Anh phân tích thay vì phối hợp cùng nhà trường để uốn nắn, nhắc nhở con trong những tình huống hành xử chưa đúng mực của trẻ thì phụ huynh lại bất hợp tác, thậm chí vu khống trắng trợn, đe dọa nộp đơn đi thưa nhà trường lên cơ quan cấp cao… gây tổn thương lớn cho đội ngũ nhà giáo.

“Cần phải thiết lập lại quy chế tiếp công dân nơi trường học, công khai rộng rãi cho phụ huynh, công dân khi liên hệ làm việc tại trường. Cần xây dựng ngay bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường trong đó có quy định những việc được và không được làm của từng đối tượng trong nhà trường, làm cơ sở pháp lý để hạn chế bạo lực” – bà Hồng Anh đề xuất.

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, cho rằng trong sự việc ở Tuyên Quang vừa qua, với những ý kiến cho rằng “cô phải làm sao thì trò mới thế” chính là đang vô tình tiếp tay cho suy nghĩ ai cũng có thể thay pháp luật hành xử. Sẽ ra sao nếu trong gia đình, cha mẹ sai, con có quyền phi thẳng dép vào đầu cha mẹ? Sẽ ra sao nếu trong một xã hội mà trẻ con đến trường cho mình cái quyền được thay mặt nhà trường để tự xử kiểu côn đồ?

“Đã đến lúc và rất cấp thiết mỗi nhà trường phải xây dựng lại hệ thống hỗ trợ giáo viên. Giáo viên, sinh viên mới ra trường nên đặt câu hỏi nếu nhận tôi vào làm giáo viên, tôi được nhà trường hỗ trợ gì trong việc xử lý khủng hoảng, trong những rủi ro do nghề nghiệp mang lại? Đã đến lúc nhà trường cần kết hợp với gia đình dạy học sinh từ mầm non đến THPT cách thức phản đối với những điều mình cho là sai một cách bài bản, đúng nội quy” – bà Thụy Anh đề xuất.

Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Hồng Anh cho rằng mỗi nhà trường cần phải có biện pháp, cơ chế hỗ trợ, quản lý, phương án bảo vệ thầy cô tránh những việc để học trò hành hung chính thầy cô của mình ngay trong nhà trường. Với các học sinh hành xử không đúng, nhà trường cũng cần phải có nội quy, quy chế giáo dục các em; giáo dục về đạo đức, tình thầy trò và tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến hành động đó của các em.

Theo bà Hồng Anh, ngành giáo dục – đào tạo cũng cần phải có định hướng, dự báo, dự đoán tình hình về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay trong nhà trường và xây dựng hành lang pháp lý, phối hợp các cơ quan chức năng bảo vệ thầy cô giáo.

Theo: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG