Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal
Ngày 20/12, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Tiêu chuẩn và Chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal”, với mục tiêu hướng tới thúc đẩy phát triển ngành Halal tại Việt Nam theo Quyết định số 10/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/2/2023 về Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.
Hội thảo “Tiêu chuẩn và Chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal” (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại hội thảo đã chia sẻ về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp trong việc thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu một cách bền vững; đồng thời, trao đổi, đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bền vững.
Thị trường Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng và là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal.
Chia sẻ về những động lực tăng trưởng chính của thị trường này, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) nhấn mạnh, quy mô thị trường Halal lớn, đạt 2.200 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025. Thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng hàng năm 6,2%.
Ngoài ra, GDP bình quân đầu người Hồi giáo tăng 4,2% đến năm 2024; dân số Hồi giáo lớn và đang phát triển, đạt 2 tỷ người vào năm 2023; dự kiến đạt 2,3 tỷ người vào năm 2030; chiếm 1/3 dân số thế giới.
Dự báo mức tăng của từng khu vực cụ thể như sau: Khu vực Bắc Mỹ dự kiến tăng 50%, đạt 300 triệu USD năm 2030; khu vực châu Âu và lục địa Á – Âu dự kiến tăng 67%, đạt 500 triệu USD năm 2030; khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến tăng 75%, đạt 2.800 triệu USD năm 2030.
Khu vực Trung Đông và Bắc Phi: dự kiến tăng 50%, đạt 1200 triệu USD năm 2030. Khu vực Tiểu sa mạc Sahara – Châu Phi dự kiến tăng 100%, đạt 400 triệu USD năm 2030.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Sẽ thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Bên cạnh chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal, quy trình chứng nhận Halal và đặc biệt là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Ảnh: Tuấn Anh) |
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu của tiêu chuẩn Halal của các thị trường cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, trong thời gian trước mắt, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia.
Đây sẽ là cơ quan chứng nhận chính thức của quốc gia cung cấp các dịch vụ Chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; tổ chức, đào tạo, tập huấn về các tiêu chuẩn, yêu cầu Halal cho các tổ chức/doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thị trường xuất khẩu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal nhằm đối thoại chính sách, tăng cường cung cấp các thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal.
Tới nay, Việt Nam đã ban hành 5 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật; TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal.
Các tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn phổ biến như: Tiêu chuẩn CODEX CXG 24-1997 General Guidelines for Use of the Term Halal, Tiêu chuẩn Malaysia MS 1500:2019 Halal Food – Yêu cầu chung, GSO 2215:2012, Thực hành nông nghiệp tốt (Tiêu chuẩn khu vực vùng Vịnh), UAE.S 2055 -1:2015 sản phẩm Halal – Phần 1 – Yêu cầu chung đối với thực phẩm Halal (Tiêu chuẩn Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).
PGS.TS. Đinh Công Hoàng cho rằng, bên cạnh việc triển khai hiệu quả Đề án quốc gia “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” (Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023), cần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, chính phủ, địa phương tại Việt Nam về tiềm năng của thị trường Halal.
Đồng thời, đẩy mạnh “Ngoại giao kinh tế” với các nước Hồi giáo, nghiên cứu ký kết FTA giữa Việt Nam và các thị trường Halal tiềm năng (CEPT với UAE…), tận dụng lợi thế từ các hiệp định khu vực (AfCFTA, OIC, GCC…).
Thành lập cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam và triển khai các hoạt động tiêu chuẩn hoá, thử nghiệm, cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp và chuyên gia, kí kết các hiệp định công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau với các quốc gia Hồi giáo (OIC, Ả Rập Xê Út, Malaysia, Indonesia, Pakistan…)
Mặt khác, thiết lập hệ sinh thái Halal (sản xuất, dịch vụ, hạ tầng chất lượng quốc gia, nguồn nhân lực, tài chính..), thu hút cả FDI và đầu tư Halal trong nước, thúc đẩy phát triển ngành Halal trong các lĩnh vực ưu tiên (thực phẩm, nông sản, du lịch, may mặc…). Thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu sang thị trường Halal
Trong khuôn khổ Hội thảo, diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông với mục tiêu phát triển kiến thức, xây dựng tiêu chuẩn, dịch vụ chứng nhận, hợp tác quốc tế về Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp, sinh viên và các cơ quan chính phủ khác nhau để nâng cao sự hiểu biết và thực hành Halal dựa trên cơ sở năng lực và kiến thức của mỗi bên.
Nội dung hợp tác bao gồm: Nghiên cứu xây dựng chiến lược và kế hoạch thực hiện để thúc đẩy Hệ sinh thái Halal tại Việt Nam; nghiên cứu, tham gia xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia đối với ngành Halal, chú trọng đến xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận về Halal; thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức, đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo và kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, định vị, tiếp thị Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành Halal và các đối tượng quan tâm khác; thúc đẩy hợp tác quốc tế và các nguồn lực hỗ trợ từ các nước có thị trường Halal phát triển; Hợp tác chung trong các lĩnh vực liên quan đến ngành Halal. |