Chiều 21-12, tại TP HCM, Câu lạc bộ (CLB) các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức tọa đàm về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2025 cũng như chia sẻ một số vấn đề bất cập để đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) điều chỉnh.
Không thể dựa vào điểm thi tốt nghiệp
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH FPT, chia sẻ kỳ tuyển sinh năm 2024 vẫn ổn định như các năm trước nhưng từ 2025, phương thức tuyển sinh của các trường ĐH sẽ phải thay đổi, không thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển bởi đây là lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Các em chỉ thi tốt nghiệp 4 môn gồm 2 môn bắt buộc toán và văn cùng 2 môn tự chọn; chương trình giáo dục cũng có 4 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, lịch sử và 4 môn tự chọn trong số 9 môn còn lại (địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật, âm nhạc, mỹ thuật); thí sinh sẽ có những môn học (chọn từ lớp 10) và môn thi (đăng ký lớp 12) không giống nhau; cũng không còn tổ hợp môn như trước đây. Định hướng của Bộ GD-ĐT vẫn là trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường trên cơ sở bảo đảm công bằng cho thí sinh, bình đẳng giữa các trường và minh bạch với xã hội.
Chia sẻ về phương thức tuyển sinh của Trường ĐH FPT trong những năm qua, TS Lê Trường Tùng cho biết trường sử dụng nhiều phương thức, trong đó từ năm 2020 đến năm 2023 có phương thức xét tuyển dựa vào công cụ tra cứu xếp hạng học sinh FPT SchoolRANK theo một công thức tính điểm nhưng từ năm 2024-2025, công thức tính điểm FPT SchoolRANK cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Theo TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), kỳ thi tốt nghiệp THPT dần dần sẽ trả lại cho mục đích của nó là đánh giá kết quả học tập bậc THPT, tuyển sinh ĐH cần thoát khỏi việc sử dụng kết quả kỳ thi vì đề thi không còn tính phân hóa cao… Trong điều kiện đó, từng trường cần tìm ra giải pháp tuyển sinh phù hợp với mình.
Cần đề án tuyển sinh phù hợp
Trong nhiều năm qua, các trường ĐH đã đa dạng hóa các phương thức xét tuyển nhưng xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chính chiếm phần lớn tỉ lệ chỉ tiêu. Từ năm 2025 các trường cần phải tìm phương án tuyển sinh riêng để chọn được thí sinh phù hợp.
Trường ĐH Nha Trang là trường ĐH đầu tiên công bố phương thức tuyển sinh năm 2025. Theo đó, trường không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển mà xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập bậc THPT và kết quả đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội… tổ chức.
Nhiều trường ĐH khác dù chưa đưa ra phương thức tuyển sinh năm 2025 nhưng cũng định hình một số phương thức xét tuyển. Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho rằng kỳ thi thay đổi, chương trình học thay đổi thì các trường không thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển, đặc biệt là những trường có những ngành đặc thù. Tùy điều kiện riêng, các trường sẽ đề ra phương thức tuyển sinh phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng Phòng Đào tạo – Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, cho biết với chương trình giáo dục phổ thông mới, phương thức xét tuyển học bạ phù hợp với nhiều trường hơn là phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức cũng là lựa chọn tốt.
Các trường ĐH với những ngành đào tạo đặc thù như khối ngành sức khỏe cũng phải tìm phương án tuyển sinh phù hợp. Ngoài kết quả học tập, các trường còn phải tìm cách để tuyển được những thí sinh phù hợp với ngành nghề. Nhiều ý kiến cho rằng từ năm 2025, khi các trường không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì các trường có đào tạo những ngành mang tính đặc thù sẽ tổ chức kỳ thi riêng hoặc liên kết để tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.
Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh từ 2025 để các trường có cơ sở xây dựng đề án tuyển sinh.
Vừa tuyển sinh vừa lo bị phạt!
Cũng liên quan vấn đề tuyển sinh, đại diện nhiều trường ĐH đã chia sẻ về việc tuyển sinh thế nào để không bị phạt.
TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được thực hiện ở một thời điểm cụ thể nhưng kết quả tuyển sinh lại phụ thuộc nhu cầu người học và nguy cơ tuyển vượt hoàn toàn xảy ra và dễ bị Bộ GD-ĐT xử phạt…
TS Lê Trường Tùng cũng chia sẻ tuyển sinh đủ, đúng đề án là vô cùng khó nên các trường thường chọn phương án tuyển sinh lố hơn là tuyển sinh không đạt. Trường ĐH FPT đã có năm bị Bộ GD-ĐT xử phạt dù tỉ lệ tuyển vượt nằm trong giới hạn cho phép, lý do phạt của bộ là tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh. Sau này trong đề án tuyển sinh có ghi số lượng tuyển sinh trong đề án là con số kế hoạch; việc điều chỉnh chỉ tiêu các trường được quyền ra quyết định, vấn đề là ở thời điểm nào, và việc điều chỉnh đó không ảnh hưởng đến chất lượng.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần điều chỉnh quy định nếu kết quả tuyển sinh năm trước chỉ tuyển sinh được dưới 80% chỉ tiêu thì năm sau không được tăng chỉ tiêu. Với những trường tuyển sinh không tốt, bộ nên có sự hỗ trợ hơn là quan điểm “ban phát”.